Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV: Năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em

.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 10-6, với 92,15% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2020), Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020; báo cáo về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội cũng xem xét về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9.

Việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan cũng được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.

Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

* Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thảo luận sáng 10-6, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh do quá trình xây dựng dự án Luật còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên số lượng 2 Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, không quá 2 Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh như quy định của Luật Tổ chức  chính quyền địa phương hiện hành. Chính phủ thống nhất với phương án 1. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường cho thấy còn có ý kiến băn khoăn về lựa chọn này.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, việc tăng hay không tăng biên chế, quan trọng nhất là phải tính đến hiệu lực, hiệu quả khi sửa luật. Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới ban hành có hiệu lực được hơn 3 năm, công tác tổ chức bộ máy cần mang tính ổn định, bền vững. Do vậy, việc tăng hay giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện hoặc trưởng, phó ban HĐND cần cân nhắc.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, dự thảo luật không cụ thể hóa được chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Trung ương Đảng về sắp xếp, đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho việc thực hiện chủ trương của Đảng. Thậm chí, có nội dung đã được Quốc hội quy định, thì lần này lại bãi bỏ, giao Chính phủ quy định như quy định số lượng cấp phó cấp vụ không quá 3 người, tổng cục không quá 4 người không được dự luật nhắc đến. “Như vậy số lượng cấp phó này đã không bị khống chế cho đến khi có nghị định của Chính phủ và cũng không rõ số lượng này tăng lên hay giảm đi”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn.

Chiều 10-6, với 86,78% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án Nhân dân. Theo đó, Quốc hội quyết nghị bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 của Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân. Điều 1a quy định việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: “Kể từ ngày 10-6-2019 đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua (10-6).

B.T (tổng hợp từ TTXVN)
 

;
;
.
.
.
.
.