Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV: Loại bỏ lợi ích nhóm ra khỏi công tác xây dựng pháp luật

.

Chiều 3-6, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường để thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (XDL, PL) năm 2020, điều chỉnh chương trình XDL, PL năm 2019. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) tham gia phát biểu thảo luận về nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đánh giá về tình hình thực hiện chương trình XDL, PL năm 2018, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, việc thực hiện chương trình năm 2018 có nhiều hạn chế, tồn tại qua nhiều khóa, nhiều năm mà không được khắc phục.

Theo đó, tính dự báo không cao, tiến độ trình dự án luật chậm, chất lượng chuẩn bị các dự án luật chưa tốt, dẫn đến việc rút, lùi, bổ sung nhiều dự án. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, nguyên nhân của hạn chế nói trên là không mới và hầu hết là nguyên nhân chủ quan. Cụ thể về phía Chính phủ thì công tác phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình thiếu nhất quán, chưa đồng bộ, tình trạng “quyền anh, quyền tôi” còn diễn ra khá phổ biến.

Nhiều dự án không bảo đảm thời gian và chất lượng vẫn trình lên; hồ sơ dự án đến phiên họp thẩm tra mới được phát, đại biểu không có thời gian nghiên cứu kỹ. Về phía QH thì trong một số trường hợp, các cơ quan QH và nhiều ĐBQH cũng còn tâm lý nể nang, ngại bị đánh giá này nọ khi có ý kiến khác với đề nghị của Chính phủ nên dễ xuôi chiều với cơ quan soạn thảo, dẫn đến tiến độ chậm và chất lượng không cao.

Về việc điều chỉnh chương trình XDL, PL năm 2019, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ tán thành cao việc bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp vào chương trình 2019.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, đây là dự án luật rất quan trọng trong hoạt động tư pháp. Thực tế cho thấy nhiều năm qua, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân đó là do vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản để xử lý tham nhũng. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy không tán thành việc lùi thời gian trình dự án luật có tính cấp bách như Luật Đất đai.

Liên quan đến chương trình XDL, PL năm 2020, theo dự kiến có 24 dự án luật, so với chương trình năm 2019 thì không nhiều (năm 2019 là 34 luật). Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, để có một chương trình phù hợp, cần cân đối quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc, khả năng của các cơ quan có liên quan để lựa chọn. Đặc biệt là ưu tiên những dự án Luật có tính cấp thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra để đưa vào chương trình năm 2020.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị QH quyết định dự án luật được xem xét, thông qua và cho ý kiến trong năm 2020 gắn liền với các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật kèm theo để tránh tình trạng luật treo.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất một số biện pháp bảo đảm chương trình XDL, PL và nâng cao chất lượng các dự án luật. Cụ thể, Chính phủ phải tăng cường trách nhiệm XDL, PL của Chính phủ, bộ, ngành ngay từ khâu xây dựng chương trình. Trong trường hợp thấy cần thiết, vì lý do khách quan mới điều chỉnh chương trình và việc điều chỉnh đó phải tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện sự tôn trọng và chấp hành nghị quyết của QH, cũng chính là bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật; Bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật phải phân công đúng người có chuyên môn và theo sát thường xuyên quá trình xây dựng luật.

Mặt khác, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng cần phải xem kết quả XDPL là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã được giao soạn thảo dự án luật, pháp lệnh.

Đối với QH, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị đối với các dự án luật, pháp lệnh trình không đúng thời hạn, tiến độ hoặc không bảo đảm chất lượng thì không đưa vào chương trình phiên họp thẩm tra, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp QH. Mặt khác, cần hạn chế tối đa luật khung để khi luật có hiệu lực là thi hành ngay.

“Việc QH ban hành luật khung rồi giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn, Chính phủ lại giao bộ, ngành ban hành thông tư vừa làm giảm vị thế của luật, vô hiệu hóa quy định về thời điểm luật bắt đầu có hiệu lực, vừa khó bảo đảm văn bản hướng dẫn thi hành của nhiều cấp thể hiện đúng ý chí của cơ quan đại diện nhân dân. Trên thực tế cũng đã có những văn bản hướng dẫn thi hành quy định nhiều thủ tục làm khó cho dân, có dấu hiệu lợi ích cục bộ”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cần phát huy tính phản biện, tranh luận của ĐBQH. Với tư duy phản biện, mặt trái của chính sách sẽ được nhận biết và được cân nhắc, nhờ đó mà nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực của chính sách. Tinh thần phản biện cũng sẽ góp phần phát hiện, loại bỏ lợi ích nhóm ra khỏi công tác XDL, PL để phòng ngừa tham nhũng chính sách, loại tham nhũng nguy hiểm nhất.

Năm 2020, Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề phòng, chống xâm hại trẻ em

Sáng 3-6, sau khi nghe tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, với 79,13% đại biểu tán thành, Quốc hội đã quyết định lựa chọn giám sát tối cao năm 2020 chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Điều hành thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm việc triển khai thực hiện đạt kết quả cao.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, cần thiết lựa chọn chuyên đề 1 để tiến hành giám sát bởi trẻ em là đối tượng quan trọng, rất cần được gia đình và cả xã hội bảo vệ. Đặc biệt, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có một cơ chế bảo vệ, tạo lá chắn vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em.

Chưa luật hóa quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe”

Chiều 3-6, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, 2 nội dung đã không được thông qua khi không có phương án nào đạt trên 50% đại biểu tán thành.

Nội dung 1 quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông. Theo Phương án 1, cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông, có 44,21% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành và 43,8% đại biểu không tán thành. Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, 49,59% đại biểu tán thành và có 34,92% đại biểu không tán thành.

Nội dung 2 được xin ý kiến là quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. Theo Phương án 1: Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Phương án 2: Không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. Kết quả biểu quyết cũng không có phương án nào đủ 50% đại biểu đồng ý.

Chưa “chốt” thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn

Quốc hội xin ý kiến các đại biểu về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, có hai phương án được trình các đại biểu Quốc hội xem xét.

Theo phương án 1, Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Phương án 2: Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Theo kết quả biểu quyết, cả hai phương án về thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

B.T (tổng hợp theo TTXVN và Chinhphu.vn)

VŨ HƯNG      
 

;
;
.
.
.
.
.