Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tập trung phát triển kinh tế, ứng xử văn hóa, bảo vệ chủ quyền quốc gia

.

Sáng 6-6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu (ĐB) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; chất vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các thành viên Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Tháo gỡ điểm nghẽn trong du lịch, không dung túng hành vi mê tín dị đoan

Trả lời chất vấn về những điểm nghẽn cũng như giải pháp để đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hạ tầng giao thông, sân bay quá tải là điểm nghẽn đầu tiên. “Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu. Nếu tăng lượng khách lên 20-30% rất khó”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Điểm nghẽn thứ hai là vấn đề thị thực; trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn visa cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia… Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, cả nước chia thành 7 vùng du lịch. Trên cơ sở này, các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động để phát triển du lịch địa phương, tăng cường liên kết vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch. Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp về ban hành bộ quy tắc ứng xử trong văn hóa, du lịch; ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch; đa dạng các sản phẩm du lịch… để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thời gian đến.

Trả lời ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) về hiện tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như dịch vụ tâm linh, thỉnh vong, dâng sao giải hạn…, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Hiến pháp đã quy định về quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, vừa qua, một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo quy định; dư luận xã hội cũng lên án các vi phạm về đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục. Để khắc phục hiện tượng trên, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa mê tín dị đoạn; lên án hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi trái phép, kiên quyết không dung túng các hành vi mê tín dị đoan.

Tham gia trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, mê tín dị đoan là do sự thiếu hiểu biết. “Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tất cả các địa phương, các tổ chức là cần tăng cường công tác nêu gương việc tốt, việc phù hợp và việc chưa phù hợp; phân tích trên góc độ khoa học, văn hóa để mọi người hiểu rõ và làm theo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát

Trả lời chất vấn về nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, vấn đề này rất đúng và thừa nhận thực tế giải ngân vốn ODA vừa qua có chậm. Năm 2018 chỉ đạt 63,2% vốn kế hoạch, 5 tháng đầu năm 2019 tình hình giải ngân được thúc đẩy nhưng vẫn còn chậm.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nguyên nhân là khó khăn giữa nguồn vốn ODA và vốn đối ứng không được bố trí phù hợp. Nguyên nhân tiếp theo là các dự án về vốn ODA có tính chất khác nhau, có dự án giải ngân nhanh nhưng có dự án chậm. Giai đoạn đầu thực hiện dự án mất thời gian khảo sát để triển khai, việc này rất chậm, cộng với việc lập kế hoạch chưa sát, nhất là dự án vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn ODA xây dựng dự án giao thông chiếm 50%.

Về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và ứng xử của Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sự cạnh tranh của hai cường quốc đang tác động lớn đến kinh tế thế giới và khu vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã xây dựng những kịch bản ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhằm mục đích tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển.

“Vai trò của ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm linh hoạt tỷ giá là rất quan trọng; đề nghị các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh và cho biết, tình hình hiện nay đang mở ra xu hướng chuyển dịch các kênh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, xu hướng đầu tư vào nước ta tăng lên. Do đó cần chọn lọc các kênh đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm chất lượng, thân thiện môi trường và nâng cao tính công nghệ. Việt Nam cũng cần cảnh giác việc hàng hóa thông qua Việt Nam, rồi xuất khẩu sang các nước để né thuế.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Về vấn đề chủ quyền Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không làm thay đổi nguyên trạng biển, đảo.

Về vấn đề bảo vệ ngư dân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Vấn đề bảo hộ ngư dân hết sức quan trọng, được Đảng và Chính phủ rất quan tâm. Đây là trách nhiệm của các cơ quan để ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của chúng ta”. Vừa qua có những vụ việc ngư dân ta bị bắt giữ và Chính phủ đã kiên quyết đấu tranh với các nước để bảo vệ ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển hợp pháp, yêu cầu đối xử nhân đạo và bồi thường thiệt hại.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng vùng biển quốc tế và chỉ đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp, được lực lượng chức năng bảo hộ.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, qua 2,5 ngày làm việc, có 230 lượt ĐB tham gia chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Các ĐB nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung thẳng vào các vấn đề; đồng thời tranh luận, làm rõ, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đúng vào vấn đề được hỏi, không né tránh, đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế; đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực và cam kết xử lý. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chính phủ, các cấp, ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐB Quốc hội, của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm giải quyết hiệu quả các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng niềm tin và mong mỏi của nhân dân và cử tri cả nước.

Ưu tiên áp dụng Luật các Tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh

Chiều 6-6, Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố thảo luận tại Tổ 5 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Ninh Bình và Tây Ninh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì phiên thảo luận. Đây là phiên làm việc tại tổ cuối cùng của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng theo quy định tại Khoản 2, Điều 59 Luật Chứng khoán hiện hành thì công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chỉ phải thực hiện một thủ tục thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, dự thảo lần này đã tách bạch giữa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại Khoản 3, Điều 134 dự thảo quy định: “Trong thời hạn một năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép trước khi Luật này có hiệu lực thi hành phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 72 của luật này”. Điều này có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đã đăng ký và hoạt động trước khi luật này có hiệu lực đều phải thực hiện lại thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo ĐB Võ Thị Như Hoa, quy định chuyển tiếp này tác động đến toàn bộ công ty chứng khoán đang hoạt động, do đó cần đánh giá kỹ lưỡng để hạn chế tối thiểu phiền hà cho doanh nghiệp.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), ĐB Võ Thị Như Hoa cho rằng, Điều 1 dự thảo xác định luật này quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ (DQTV); nguyên tắc, nhiệm vụ, tổ chức, huấn luyện, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về DQTV. Tuy nhiên, theo ĐB Võ Thị Như Hoa, trước khi quy định vấn đề này thì đầu tiên là cần phải quy định về lực lượng DQTV. Do đó, trong phần phạm vi điều chỉnh, đề nghị bổ sung cụm từ “lực lượng Dân quân tự vệ” và viết lại thành “Luật này quy định về lực lượng Dân quân tự vệ, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ…”. Điểm e, Khoản 1, Điều 11 dự thảo quy định “Con duy nhất của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam/dioxin suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%” thì được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ; Khoản 2, Điều 11 quy định: “Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh…” được miễn thực hiện nghĩa vụ.

Tuy nhiên, theo ĐB Võ Thị Như Hoa, đối tượng là con duy nhất của thương binh, bệnh binh ở Khoản 1 đã bao hàm trong khái niệm con thương binh, bệnh binh ở Khoản 2. Hay nói cách khác, con duy nhất hay con thứ bao nhiêu thì cũng là con của thương binh, bệnh binh. Do đó, ĐB Võ Thị Như Hoa đề nghị rà soát để điều chỉnh cho phù hợp, theo đó có thể quy định theo hướng ngược lại, nếu là con duy nhất thì được miễn, còn nếu không phải là con duy nhất thì được hoãn nghĩa vụ.

Ông Lê Thọ Truyền, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà: Phải tạo chuyển biến sau chất vấn
 
Theo tôi, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tiếp tục đổi mới, chất lượng hơn; sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao.
 
Câu hỏi của đại biểu (ĐB) Quốc hội rất sát, trực tiếp, đúng và trúng vào vấn đề cử tri cả nước quan tâm. 4 Bộ trưởng: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về cơ bản không né tránh kể cả những vấn đề khó, phức tạp, đồng thời nhận trách nhiệm một cách thiện chí với những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. 
 
Tuy nhiên, cử tri nhận thấy vẫn còn những thành viên Chính phủ chưa nhận rõ trách nhiệm tư lệnh ngành, trong nội dung trả lời còn đùn đẩy trách nhiệm. Đơn cử như việc xử lý xây dựng sai phép tại tòa nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm ở Hà Nội. Nội dung trả lời vì sao các công trình giao thông đội vốn lớn do trượt giá không thuyết phục được cử tri.
 
Tôi cho rằng hoạt động chất vấn là kiểm tra năng lực của các tư lệnh ngành trong nắm bắt, quản lý lĩnh vực được phân công và đưa ra các giải pháp để xử lý, giải quyết những vấn đề nóng mà ĐB nêu. Nhưng việc thực hiện các cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo ra chuyển biến đúng như cam kết sau chất vấn của các Bộ trưởng, đó mới là vấn đề được ĐB, cử tri quan tâm, mong đợi. 
 
Ông Nguyễn Xuân Tiến, phường Hòa Minh, 
quận Liên Chiểu: Không để kéo dài sang nhiệm kỳ sau 
 
Qua theo dõi phiên chất vấn, tôi thấy các ĐB dám hỏi thẳng trước những nhức nhối nổi cộm của các ngành và câu trả lời cũng thật thẳng thắn. Bộ trưởng dám nhận trách nhiệm về mình và đưa ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, có bộ trưởng trả lời mang tính hình thức, viện dẫn các chỉ thị, báo cáo khiến cử tri khó tiếp cận và thiếu thuyết phục.
 
Tôi kỳ vọng và mong muốn các thành viên Chính phủ sẽ làm rõ, đưa ra các giải pháp hiệu quả cho những vấn đề mà ĐB chất vấn, cử tri quan tâm. Các bộ trưởng nhận trách nhiệm và đưa ra các cam kết, lời hứa sẽ khắc phục, giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực quản lý của mình.
 
Vấn đề là làm sao để những lời hứa, cam kết đó được cụ thể hóa bằng hành động, qua đó tạo chuyển biến tích cực trước những vấn đề tồn tại, bất cập. Trong đó, vấn đề phát triển văn hóa, hạn chế mê tín dị đoan; bất cập trong các dự án BOT, quản lý quy hoạch; phòng, chống tội phạm ma túy… rất bức xúc, cần xử lý sớm để mang lại niềm tin cho nhân dân.
 
Cử tri mong muốn những lời hứa, cam kết tại nghị trường Quốc hội sẽ không chỉ dừng lại ở lời nói chung chung mà là hành động quyết liệt, không để kéo dài sang nhiệm kỳ sau.
 
SƠN TRUNG-TRỌNG HUY ghi 

 

LAM PHƯƠNG - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.