Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn: Cần triển khai sớm

.

Ngày 20-6, tại hội nghị phản biện xã hội dự án Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, quy hoạch... cho rằng, việc triển khai dự án là cần thiết và cần triển khai sớm.

PGS.TS Trần Cát (bìa phải) ủng hộ chủ trương thực hiện dự án Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu xử lý chất thải rắn thành phố trong tương lai gần.
PGS.TS Trần Cát (bìa phải) ủng hộ chủ trương thực hiện dự án Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu xử lý chất thải rắn thành phố trong tương lai gần.

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho hay, bãi chôn lấp hợp vệ sinh (bãi rác) Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2007 với diện tích ban đầu khoảng 49,91ha, gồm các hạng mục: bãi chôn lấp chất thải rắn không nguy hại; hộc chôn lấp chất thải nguy hại; hệ thống xử lý nước rỉ rác, hệ thống xử lý bùn bể phốt.

Theo sổ tay hướng dẫn vận hành bãi rác Khánh Sơn, thời gian dự kiến đóng cửa vào tháng 5-2020; chiều cao các lớp rác chôn lấp từ 36 - 52m. Khu vực chôn lấp CTR không nguy hại có 5 hộc rác có diện tích 13,83ha. Hiện nay, khoảng cách từ tường rào bãi rác Khánh Sơn đến khu dân cư chỉ khoảng 200m, không bảo đảm theo quy chuẩn (lớn hơn 1.000m) và cũng chưa có vùng đệm cây xanh cách ly giữa bãi rác và khu dân cư nên chịu áp lực của người dân phản ánh về mùi hôi, ô nhiễm.

Để thay thế bãi rác Khánh Sơn sau khi đã chôn lấp đầy rác, UBND thành phố đã quy hoạch dự án Khu liên hợp xử lý CTR tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch, xây dựng dự án hiện gặp quá nhiều khó khăn, vì vậy, UBND thành phố đã thống nhất định hướng triển khai nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn bảo đảm các tiêu chuẩn về xử lý chất thải, hiện đại và khôi phục môi trường tại khu vực.

Các hạng mục được triển khai như: đầu tư các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến, nâng cấp và cải tạo các hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn hiện hữu, quy hoạch lại khu vực bãi rác Khánh Sơn, nghiên cứu đền bù giải tỏa các hộ dân không bảo đảm khoảng cách an toàn; đưa dự án Khu liên hợp xử lý CTR tại Hòa Nhơn vào quy hoạch dự phòng tương lai (sau năm 2030).

Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập quy hoạch tổng thể dự án Khu liên hợp xử lý CTR thành phố tại bãi rác Khánh Sơn gồm các hạng mục: các hộc chôn lấp chất thải rắn hiện hữu (hộc rác số 1, 2, 3, 4, 5 và 6); hộc chôn lấp chất thải rắn mở rộng (hộc rác số 7); kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý CTR với công suất hơn 1.000 tấn/ngày; nhà máy đốt rác thải y tế; nhà máy xử lý phân bùn bể phốt; nhà máy xử lý nước rỉ rác (bao gồm cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2); nhà máy xử lý CTR Khánh Sơn của Công ty CP Môi trường Việt Nam với công suất 650 tấn/ngày...

“Thời gian qua, công tác xử lý CTR trên địa bàn thành phố còn rời rạc, mang tính xử lý tình huống, chưa đầu tư tổng thể, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Chính vì vậy, việc thành phố định hướng quy hoạch nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý CTR thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay (đến năm 2030) là phù hợp, gắn với quy hoạch chung và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng; đồng thời cũng khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn và khu vực xung quanh kéo dài trong thời gian qua; đáp ứng nhu cầu xử lý CTR của thành phố trong thời gian ngắn hạn, định hướng quy hoạch xử lý CTR của thành phố trong tương lai”, ông Đặng Quang Vinh cho hay.

Theo KTS. Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố, từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố và các sở, ban, ngành đã tìm giải pháp xử lý chất thải sinh hoạt bằng việc tìm địa điểm xây dựng dự án Khu liên hợp xử lý CTR tại xã Hòa Nhơn và đề ra giải pháp trước mắt xử lý ô nhiễm và nâng cấp bãi rác Khánh Sơn.

“Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố đánh giá cao công tác nghiên cứu, chuẩn bị các dự án nghiêm túc, bài bản có tính tổng thể của các sở, ngành, đơn vị chức năng của thành phố. Chúng tôi thống nhất chủ trương đầu tư nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý CTR. Việc này là cần thiết để bảo đảm xử lý CTR của thành phố trong tương lai gần, bởi triển khai dự án tại Khánh Sơn có nhiều ưu điểm, đồng thời khắc phục triệt để ô nhiễm phát sinh hiện nay của bãi rác Khánh Sơn. Chúng tôi thống nhất quy hoạch tổng thể và kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn bảo đảm tiêu chuẩn về xử lý CTR, khôi phục lại môi trường sạch tại khu vực”, KTS Phan Đức Hải nói.

Bãi rác Khánh Sơn sắp đầy nên việc triển khai nâng cấp thành Khu xử lý chất thải rắn hiện đại là cần thiết trong tương lai gần (đến năm 2030) và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.
Bãi rác Khánh Sơn sắp đầy nên việc triển khai nâng cấp thành Khu xử lý chất thải rắn hiện đại là cần thiết trong tương lai gần (đến năm 2030) và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.

Về quy hoạch tổng thể, KTS Phan Đức Hải cũng đề nghị, cần xem xét hành lang xanh cách ly ngoài tường rào để khắc phục và hạn chế một phần mùi hôi, khói bụi từ quá trình xử lý CTR gây ra. Cạnh đó, phải cẩn trọng trong việc lựa chọn công nghệ cho các nhà máy xử lý CTR. Đặc thù đốt rác phát điện nếu không phân loại và tách CTR trước khi đốt, sẽ phát sinh ra khí độc hại như dioxin và furan ra môi trường xung quanh.

Mặt khác, nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện của Công ty CP Môi trường Việt Nam nằm sát đường Hoàng Văn Thái và khu dân cư kế cận nên cần lựa chọn công nghệ không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh; xử lý các nguồn thải triệt để không gây tác hại lâu dài cho không khí và các tầng nước ngầm của khu vực; giám sát nghiêm ngặt khói thải ra môi trường.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cho rằng: “Việc triển khai nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý CTR là cần thiết và cần triển khai sớm nhất có thể. Cần thiết thực hiện đồng thời việc lập quy hoạch gắn với đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hoặc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án”.

GS.TS Trần Văn Quang cũng lưu ý, các sở, ngành và đơn vị chức năng cần phân tích thêm về chi phí và lợi ích khi thực hiện quy hoạch dự án. Trong việc lựa chọn công nghệ đốt rác và kiểm soát ô nhiễm khí thải của Nhà máy đốt rác phát điện, đối với công nghệ có công suất xử lý rác nhỏ hơn 500 tấn/ngày, khó có thể kiểm soát được nhiệt độ và khó kiểm soát các thành phần độc hại furan và dioxin. Nhà máy đốt rác có công suất xử lý rác lớn hơn 1.000 tấn/ngày mới phát điện hiệu quả và kiểm soát tốt các loại khí độc hại như furan và dioxin.

PGS.TS Trần Cát, Trường Đại học Kiến trúc (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, sự cần thiết phải đầu tư, mục tiêu quy mô đầu tư nâng cấp bãi rác Khánh Sơn “là điều không phải bàn cãi”. “Tôi rất ủng hộ chủ trương nâng cấp, cải tạo một số hạng mục của bãi rác Khánh Sơn để tiếp tục hoạt động thêm một vài năm nữa. Đây là giải pháp tình thế trong thời gian chờ đợi một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn là nghiên cứu xây dựng một khu liên hợp xử lý CTR ở đây bằng phương pháp đốt rác lấy điện. Các giải pháp nâng cấp, cải tạo một số hạng mục của bãi rác Khánh Sơn đều đã được nghiên cứu, tính toán và rất khả thi”, PGS.TS Trần Cát nói.

Chủ trì hội nghị phản biện, ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng hoan nghênh các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp các ý kiến xác đáng, chất lượng đối với dự án Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu Liên hợp xử lý CTR thành phố. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tập hợp các ý kiến và báo cáo với lãnh đạo thành phố để xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện dự án.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.