Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Để hạnh phúc không còn mong manh

.

“Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình” - Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của gia đình trong xã hội hiện nay.

Chỉ khi gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc mới hạn chế được tối đa các vụ bạo lực gia đình.  TRONG ẢNH: Một cảnh trong tiểu phẩm “Chữ phúc mong manh”.
Chỉ khi gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc mới hạn chế được tối đa các vụ bạo lực gia đình. TRONG ẢNH: Một cảnh trong tiểu phẩm “Chữ phúc mong manh”.

Tiểu phẩm “Chữ phúc mong manh” vừa được các cán bộ, hội viên phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 5 thể hiện trong một buổi tuyên truyền hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tháng hành động vì trẻ em” và Ngày Gia đình Việt Nam giữa tháng 6 này đã lấy đi bao nước mắt của người xem.

Nội dung tiểu phẩm nói về bi kịch của một gia đình, mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, từ sự ích kỷ nhỏ nhen của mỗi cá nhân. Vì sao hạnh phúc lại trở nên mong manh dễ vỡ như vậy? Đó là vì các thành viên trong gia đình không tìm được tiếng nói chung, khi bạo lực vẫn còn xảy ra trong mỗi gia đình.

Thượng tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (Tổng cục Chính trị), nhìn nhận, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến gia đình Việt, tạo nên những biến đổi sâu sắc đối với gia đình trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng ở trong giai đoạn nào, ở bất cứ đâu thì hạnh phúc gia đình vẫn phải là sự cố gắng từ tất cả các thành viên.

Thượng tá Phùng Thị Phú cho rằng, sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của bạo lực gia đình đã khiến cho nơi trú ngụ của hạnh phúc có nguy cơ trở thành “địa ngục trần gian”, làm cho rất nhiều thành viên trong gia đình rơi vào trạng thái bất ổn, để lại nhiều nỗi đau cho phụ nữ và trẻ em.

Theo nhiều ý kiến, sự tôn trọng, biết lắng nghe để thấu hiểu, chia sẻ, tiết chế cái tôi, dành thời gian cho gia đình sau những âu lo cơm-áo-gạo-tiền… chính là những hành động thiết thực nhất trong hành trình xây đắp hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình.

Chị Bích Hợp (45 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, làm nghề dọn vệ sinh) chia sẻ: “Hạnh phúc đối với tôi đơn giản lắm. Chỉ cần mỗi ngày đi làm về luôn có chồng con quan tâm những vui buồn sau một ngày làm việc, con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn thì mọi mệt mỏi của công việc dường như tan biến”.

Chị Hợp cũng cho biết, nhiều hồi con cái thấy mẹ vất vả quá cứ giục mẹ nghỉ làm, song, làm lâu quen, chị Hợp không muốn nghỉ. Mặt khác, chị Hợp cũng muốn làm để tự chủ về tài chính. Và rồi những đồng tiền mình kiếm ra có thể để dành cho bản thân khi đau ốm, hoặc cùng gia đình có những chuyến du lịch hay tụ tập bạn bè vào những dịp cuối tuần. Với chị Hợp, cuộc sống chỉ vậy thôi chính là hạnh phúc.

Còn với chị Thanh Tâm (trú quận Hải Châu, giáo viên mầm non kiêm dạy khiêu vũ) thì hạnh phúc của chị là mỗi ngày được đến trường chăm bẵm hàng chục đứa trẻ. Và mỗi tối về nhà có chồng cùng phụ giúp nấu những bữa cơm gia đình, thi thoảng dẫn con cái đi ăn quà vặt hay đi chơi vào buổi tối. Ngoài ra, vừa để mưu sinh cuộc sống, vừa là vì đam mê, chị Tâm còn mở thêm phòng dạy khiêu vũ thể thao để các chị em phụ nữ khác theo tập.

“Tôi muốn tạo dựng một nơi phụ nữ có thể dành cho mình chút thời gian được làm đẹp, được rèn luyện sức khỏe sau mỗi giờ làm, ngoài thời gian lo cho gia đình, con cái. Mặt khác, đây cũng chính là nơi các chị gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau về cách thức xây dựng gia đình hạnh phúc hay nuôi dạy con cái nên người. Và, đó cũng là điều khiến cuộc sống của người phụ nữ trở nên hạnh phúc mỗi ngày”, chị Thanh Tâm, bộc bạch.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, là nơi nuôi dưỡng gieo mầm tài năng. Thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng biết trân trọng những giá trị thiêng liêng của gia đình. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chia sẻ, thực tiễn đã chứng minh, gia đình yên ấm, hạnh phúc là điều kiện, tiền đề quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách và bảo đảm cho lao động sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, mỗi thành viên đều có trách nhiệm vun đắp, tham gia xây dựng tổ ấm gia đình. Vì vậy, các cấp, các ngành, mỗi gia đình, tập thể cần chung tay hành động phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

Cũng theo bà Hà, để hạn chế bạo lực gia đình, chị em phụ nữ cần trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, không nên để bản thân trở thành người gây bạo lực cũng như nạn nhân của bạo lực. “Chúng ta phải phấn đấu không chỉ tháng 6 mà 12 tháng trong năm đều là tháng hành động về phòng chống bạo lực gia đình, tháng hành động vì trẻ em, không chỉ ngày 28-6 mà 365 ngày trong năm đều là Ngày Gia đình Việt Nam”.

Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg về việc lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, và tháng 6 hằng năm được lựa chọn là “Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình” và cũng là “Tháng hành động vì trẻ em”.

Bài và ảnh: THANH TÌNH
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.