Nhiệt độ tăng cao kỷ lục tại Ấn Độ, ít nhất 36 người thiệt mạng

.

Nhiệt độ tại thủ đô New Delhi lên mức cao nhất 48 độ C, trong khi thành phố Churu, bang miền Tây Bắc Rajasthan, nhiệt độ lên tới 51 độ C.

Ảnh minh họa. (Nguồn: accuweather.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: accuweather.com)

Nắng nóng nhiều ngày qua với nhiều bang ghi nhận nền nhiệt tăng cao kỷ lục tại Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 36 người.

Thông báo ngày 12-6 của Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Ấn Độ (NDMA) cho biết nhiệt độ tại thủ đô New Delhi lên mức cao nhất 48 độ C, trong khi thành phố Churu, bang miền Tây Bắc  Rajasthan, nhiệt độ lên tới 51 độ C.

NDMA nhận định đây là đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất tại Ấn Độ.

Trong năm 2015, nắng nóng chỉ ảnh hưởng đến 9 bang của nước này, song đến năm nay, số bang bị nắng nóng tấn công lên tới 23 bang.

Theo NDMA, những trường hợp tử vong do nắng nóng chủ yếu là các người lao động nghèo từ các vùng xa xôi hẻo lảnh đến thành phố làm các công việc nặng nhọc ngoài trời.

Trước đó, cơ quan này đã dự báo Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng từ giữa tháng Ba, song thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn vào giữa tháng Năm và được dự báo sẽ kéo dài đến giữa tháng Sáu này.

Theo NDMA, số giờ làm việc các nhân viên làm việc trong cơ quan chính phủ đã được giảm 20% nhằm đảm bảo sức khỏe.

Tuy nhiên, những lao động làm thuê cho doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, lò nung gạch, đa phần là những người nghèo, lại không có các biện pháp bảo vệ hay được hưởng quyền lợi lao động.

Nắng nóng nghiêm trọng trong mùa Hè năm 2015 đã kiến khoảng 2.000 người dân Ấn Độ tử vong.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) cùng ngày đã ra cảnh báo đỏ đối với một số khu vực của bang miền Tây Gujarat giữa lúc bão Vayu đang mạnh dần lên và hướng vào bang này.

Theo IMD, nhiều khả năng bão Vayu sẽ di chuyển theo hướng Bắc, quét qua bờ biển Gujarat, ảnh hưởng đến các thành phố như Porbandar, Mahuva, Veraval và Diu.

IDM nêu rõ cơn bão này đang mạnh và sức gió có thể lên tới 150km/h, sau đó là 165km/h vào sáng 13-6 (theo giờ địa phương) khi đổ bộ vào đất liền.

Trước đó, khoảng 300.000 người tại bang Gujarat đã được yêu cầu sơ tán.

Trong khi đó, 39 đội thuộc Lực lượng Ứng phó thiên tai quốc gia (NDRF) đã được triển khai tới các khu vực ven biển nhằm hỗ trợ hoạt động sơ tán, tìm kiếm và giải cứu, 34 đơn vị quân đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó.

Hồi năm 1998, một cơn bão tàn khốc đã ảnh hưởng đến bang này, khiến 4.000 người thiệt mạng./.


Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.