Ngày 7-6, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy và các cơ quan của thành phố về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Đình Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: S.TRUNG |
Theo báo cáo của Sở Thông tin-Truyền thông, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, thành phố đạt nhiều kết quả nổi bật về ứng dụng CNTT. Thành phố có 847 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (chiếm 65% tổng số thủ tục hành chính) được triển khai trên hệ thống thông tin chính quyền điện tử; sắp hoàn thành các mục tiêu của chương trình, kế hoạch cải cách hành chính đến năm 2020. Hạ tầng CNTT và viễn thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ, hoạt động ổn định, an toàn. Trung tâm dữ liệu của thành phố có dung lượng lưu trữ đến 152TB, được thiết kế, quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013. Hệ thống kết nối không dây công cộng của thành phố có 430 trạm thu phát sóng, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân, du khách có thể kết nối, sử dụng dịch vụ của cơ quan Nhà nước và kết nối Internet (miễn phí).
Hiện nay thành phố có hơn 500 cán bộ chuyên trách CNTT làm việc trong các cơ quan Nhà nước, trong đó có 35 thạc sĩ, 8 tiến sĩ, bảo đảm vận hành các hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố thông suốt. Thành phố có trạm/tuyến cáp quang cập bờ là trạm truyền dẫn quốc tế quan trọng của mạng viễn thông quốc gia; có 942 doanh nghiệp CNTT với doanh thu tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể cho ngân sách thành phố, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động. Thành phố đang hình thành 4 khu CNTT tập trung, trong năm 2018 xúc tiến thành công 70 dự án trong lĩnh vực CNTT của các doanh nghiệp nước ngoài.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố đề nghị Trung ương cần chỉ đạo cụ thể để Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về chính sách thuế ưu đãi thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam áp dụng vào thực tiễn; cần có mục lục ngân sách riêng cho CNTT theo Luật Công nghệ thông tin và Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ để các địa phương có cơ sở trong việc bố trí đủ kinh phí cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định, trước khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW, Thành ủy xác định CNTT cùng với công nghệ cao là một trong những đột phá chiến lược để phát triển thành phố. Kể từ những năm 2000, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và Nghị quyết 06-NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, xác định CNTT là một hướng đi mới, kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn lực lao động trẻ, tri thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hai nghị quyết trên đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp CNTT đang tăng trưởng của Đà Nẵng. Ban Thường vụ Thành ủy xác định hạ tầng số là điều kiện tiên quyết bắt kịp “con tàu” 4.0, là nền tảng phát triển chính phủ số, nền kinh tế số.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho biết, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp về ứng dụng CNTT đã góp phần mang lại những kết quả tích cực và chuyển biến rõ nét. Thành phố cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW bằng những văn bản chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt và đồng bộ bằng những giải pháp căn bản, mang tính đột phá để CNTT ngày càng ứng dụng sâu rộng và hiệu quả trong mọi hoạt động từ thành phố đến cơ sở. “Thành phố chủ động tạo ra một hạ tầng thông tin kết nối, hạ tầng dữ liệu mở, minh bạch, chính xác và an toàn theo tinh thần Luật Tiếp cận thông tin nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tiếp thu sự tiên tiến của các mô hình kinh doanh mới, nền kinh tế chia sẻ... nhưng vẫn bảo đảm hài hòa với văn hóa, truyền thống của địa phương”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đánh giá cao kết quả của thành phố sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); qua đó tạo chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đồng thời đề nghị Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh với các mô hình ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch… Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và đạt kết quả nổi bật ở 6 nội dung. Đà Nẵng là địa phương duy nhất có nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về ứng dụng và phát triển CNTT và xác định đây là một trong 3 đột phá phát triển kinh tế của thành phố.
Thành phố rất quan tâm đầu tư cho hạ tầng CNTT và phát triển ngành công nghiệp phần mềm. Kết quả ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước và cải cách hành chính rất tốt; là địa phương xây dựng thành phố thông minh với tốc độ rất nhanh; kết quả phát triển nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan hành chính và nhân lực trong ngành công nghiệp phần mềm rất ấn tượng. Thành phố đã chứng minh CNTT là một ngành kinh tế kỹ thuật đem lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của thành phố. Đoàn công tác tiếp thu các kiến nghị của Đà Nẵng đưa vào báo cáo trình Trung ương xem xét trong thời gian đến.
S.TRUNG