Việc xử lý sai phạm của các đơn vị sử dụng lao động liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm tự nguyện (BHTN) được ngành BHXH thành phố triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý ở tầng vĩ mô, khiến các đơn vị lúng túng, bị động và thiếu cơ sở thực hiện.
Việc xử lý vi phạm BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong ảnh: BHXH thành phố làm việc với một doanh nghiệp vi phạm. Ảnh: BHXH thành phố cung cấp |
Trong năm 2018, BHXH thành phố đã thực hiện thanh tra 197 đơn vị (thanh tra chuyên ngành 153 đơn vị, thanh tra liên ngành 44 đơn vị); tổ chức kiểm tra 117 đơn vị, trong đó có 27 đơn vị nội bộ cơ quan BHXH, 30 đại lý thu, chi, 10 cơ sở khám chữa bệnh và 50 đơn vị sử dụng lao động.
Ngoài ra BHXH quận, huyện cũng phối hợp tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do Chủ tịch UBND quận, huyện thành lập tại 223 đơn vị. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, BHXH thành phố đã kiến nghị thu hồi hơn 66,5 tỷ đồng, là số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động.
Kết quả, số tiền nợ của đơn vị sử dụng lao động đã nộp trong thời gian thanh tra, kiểm tra và nộp khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra là hơn 52,2 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 78,4%. BHXH thành phố đã phát hiện 551 lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền truy đóng là 339 triệu đồng; 111 lao động không thuộc đối tượng, đóng sai thời gian phải truy giảm; hơn 1.000 lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền truy đóng là 366 triệu đồng...
Liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm hành chính, BHXH thành phố đã ban hành 37 quyết định vi phạm hành chính với số tiền xử phạt phải thu là hơn 1,2 tỷ đồng; chuyển 1 hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt với số tiền vi phạm là 94 triệu đồng. Ngoài ra, BHXH thành phố cũng đã chuyển 6 hồ sơ vụ việc đến công an thành phố xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hồng Quang, Trưởng phòng Thanh tra-Kiểm tra, BHXH thành phố, việc triển khai các giải pháp xử lý vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2015, lần đầu tiên Bộ luật Hình sự có quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT, BHXN, BHTN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi, vi phạm gây bức xúc xã hội.
Tuy nhiên đến nay, cơ sở pháp lý quan trọng này lại chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Điều này dẫn đến việc thụ lý, điều tra vẫn còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện.
“Bên cạnh đó, tỉ lệ chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính của các đơn vị vi phạm chưa cao, chỉ khoảng 50%. Mặc dù có không ít văn bản quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng trên thực tế việc áp dụng các biện pháp này vẫn còn rất khó khăn và hiện chưa có lực lượng chuyên trách thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính đối với các trường hợp vi phạm”, ông Quang cho biết.
Vừa qua, BHXH thành phố đã có văn bản gửi Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị sớm có nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 và 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội trốn đóng BHYT, BHXH và BHTN.
Bên cạnh đó, BHXH thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cần ban hành nghị định riêng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, trên cơ sở tách bạch Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; từ đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cho phép xử lý hiệu quả cảc hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BHTN.
PHAN CHUNG