Nhóm liên kết may giúp chị em có việc làm

.

Hơn 10 năm nay, nhóm liên kết may gia công của Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 1A6 (gọi tắt là Chi hội, thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) giúp hàng chục chị em phụ nữ có công ăn việc làm ổn định. Với nhiều người, đây là công việc mang lại nguồn thu nhập chính.

Theo Chi hội trưởng Trần Thị Ân, hầu hết các hộ gia đình sinh sống tại khu dân cư Chơn Tâm 1A6 có người thân làm việc trong một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn. “Các ông chồng làm việc trong quân đội; còn vợ ở nhà chăm sóc con cái, nội trợ. Các gia đình hầu hết từ nơi khác đến sinh sống, lập nghiệp, nên các chị hầu như không có việc làm ổn định”, bà Ân nói.

Trước thực tế đó, từ năm 2008, chi hội tìm cách liên kết, tìm việc làm giúp chị em có thu nhập. Ban đầu, trong chi hội có vài người biết nghề may nên các chị hướng dẫn, học tập lẫn nhau. Sau khi các chị em thạo nghề, chi hội tìm đến các cơ sở, tiệm may mặc đề nghị nhận hàng về phân chia cho chị em may gia công. Thời gian đầu chỉ vài chị tham gia. Dần dần thấy thu nhập khá, các chị lần lượt xin vào nhóm. Đến nay, nhóm liên kết may gia công có khoảng 40 chị em.

Khoảng 2-3 ngày, chi hội nhập hàng một lần. Khi thì đồng phục công sở, lúc thì đồng phục học sinh, rồi đến áo quần nam, nữ. Cứ qua mỗi đợt hàng, các chị được nâng cao tay nghề và có thêm nguồn thu nhập.

Cuối năm 2018, để thuận tiện trong thủ tục nhập hàng, chi hội thành lập Hợp tác xã (HTX) may Chơn Tâm trên cơ sở nhóm liên kết may với 8 thành viên chủ lực. Từ khi phát triển thành HTX, chi hội nhận đơn hàng thường xuyên, đều đặn hơn. Các chủ tiệm may cũng yên tâm hơn khi giao hàng. “Chi hội nhận hàng là vải cắt sẵn. Các chị em ráp, may, ủi hoàn chỉnh và hưởng theo sản phẩm. Với mỗi chiếc quần hoàn chỉnh, chị em nhận 70.000 đồng/sản phẩm và áo là 60.000 đồng/sản phẩm. Nếu người nào may giỏi thì thu nhập cũng khá”, bà Ân nói thêm.

Tham gia HTX may từ những ngày đầu thành lập, với chị Nguyễn Thị Hiên (SN 1976, phường Hòa Khánh Nam), đây là công việc đem lại nguồn thu nhập chính. Hằng ngày, sau khi hoàn tất việc cơm nước, đưa đón hai con đi học, chị tranh thủ những lúc rảnh rỗi may kiếm thu nhập. “Trước đây, hầu hết thời gian rảnh tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Hằng tháng, ngoài đồng lương của chồng, chúng tôi không có nguồn thu nhập nào khác. Từ khi tham gia may, tôi có đồng ra đồng vào, việc chi tiêu ăn uống cũng dễ thở hơn”, chị Hiên tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hiên tham gia nhóm liên kết may và có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Chị Nguyễn Thị Hiên tham gia nhóm liên kết may và có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Còn chị Trần Thị Thảo (SN 1977, phường Hòa Khánh Nam) tuy chưa tham gia HTX nhưng vẫn nhận hàng may đều đặn. Vừa phải chăm chồng ốm, vừa lo việc nhà và đưa đón các con đi học nên chị không có nhiều thời gian may. Trước đây, chị Thảo làm công nhân. Từ khi có nhóm may, chị nghỉ hẳn ở nhà. “Tôi chỉ tranh thủ may những lúc rảnh nên không dám tham gia HTX, vì khi tham gia thì phải may liên tục để kịp thời gian giao hàng, nhận hàng”, chị Thảo nói.

Chị Trần Thị Ánh Tuyết (phường Hòa Khánh Nam) là một trong những người may chủ lực của HTX. Theo chị Tuyết, những tháng cao điểm mùa hè hay dịp cận Tết, lượng hàng nhiều, các chị em nếu chăm chỉ may thì thu nhập có khi 10 triệu đồng/tháng. Những tháng còn lại, đơn hàng đều đều, mỗi chị em cũng kiếm được từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, chi hội có 110 hội viên thì có đến 40 chị tham gia may. Với các chị, công việc này tuy tranh thủ những lúc rảnh rỗi nhưng lại là nguồn thu nhập giúp các chị ổn định đời sống. Hơn nữa, việc nhận hàng về may tại nhà giúp các chị thuận tiện hơn trong chăm sóc gia đình. “Mỗi khi nhập hàng có xe chở đến tận nơi. May xong có một chị phụ trách kỹ thuật kiểm tra, xong xuôi thì trả và nhập hàng mới. Các chị em may lâu năm, có kinh nghiệm nên hiếm khi xảy ra sai sót. Nhờ đó, các chủ hàng cũng yên tâm, tin tưởng”, bà Ân cho biết.

Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam Lưu Thị Nghĩa nhìn nhận: “Hoạt động của nhóm liên kết may, nay là HTX may Chơn Tâm là mô hình thiết thực, ý nghĩa, giúp chị em phụ nữ có công việc làm ổn định. Các hội viên trong Chi hội mỗi người đến từ một tỉnh, thành khác nhau; nhờ có nhóm may, chị em kết nối, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.