Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, lĩnh vực xây dựng những năm gần đây chiếm gần 50% tổng số vụ tai nạn lao động. Nguyên nhân chính vẫn là nhà thầu và người lao động khá thờ ơ với những vấn đề an toàn lao động.
Người lao động làm việc trên cao nhưng không có lưới bảo vệ an toàn. (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 57 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 61 người. Điều đáng báo động là từ năm 2016, số vụ, số người chết, bị thương vì TNLĐ có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2016, số vụ TNLĐ tăng lên 93 vụ, làm chết 10 người; năm 2017, 79 vụ TNLĐ làm chết 16 người, bị thương 14 người. Năm 2018, xảy ra 57 vụ TNLĐ, làm chết 13 người và bị thương nặng 15 người.
Quý 1-2019 ghi nhận 1 vụ TNLĐ, thế nhưng đây là con số chưa phản ánh đúng tình hình khi có nhiều vụ TNLĐ các bên liên quan tự thỏa thuận giải quyết chứ không thông báo đến cơ quan chức năng. Mặc dù số vụ TNLĐ có thay đổi và tăng giảm qua từng năm, nhưng theo đánh giá của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động thành phố thì số vụ TNLĐ trên lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm cao nhất, với mức gần 40% số vụ trong các năm 2016 và 2017, riêng năm 2018 chiếm đến 46,7% số vụ TNLĐ trên địa bàn thành phố.
Theo ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, qua từng năm, nhất là sau những đợt thành phố phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, tình hình có chuyển biến tích cực hơn. Các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp lớn, rất quan tâm và đầu tư xứng đáng cho công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị mình.
Mặc dù vậy, nhiều đơn vị, nhất là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ thầu xây dựng các công trình dân dụng, vẫn còn chủ quan, lơ là trong việc bảo đảm an toàn cho người lao động. Khi kiểm tra các đơn vị này, trang phục (áo quần, nón bảo hộ, giày...) không đầy đủ, phương tiện thi công cũ kỹ, không được kiểm định, thiếu nguồn gốc xuất xứ...; từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ cho người lao động.
Nhiều công trình từ 7-8 tầng trở xuống, phương tiện thi công đa số đều tạm bợ, thiếu đồng bộ; các yếu tố “bảo hộ” cho người lao động như lưới bảo vệ, biển cảnh báo nguy hiểm... sơ sài, rất dễ gây tai nạn trong quá trình thi công. Điển hình là vụ TNLĐ ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ vào tháng 4-2018, tài xế N.T.T (SN 1991) điều khiển xe đổ bê-tông dừng trước một ngôi nhà trên đường Lê Trọng Tấn nhưng quên hạ cẩu phun bê-tông. Kết quả, xe nghiêng và đổ sập vào hệ thống dây điện. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng qua đây cho thấy, sự “vô tư” về các yếu tố an toàn lao động luôn tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ rất cao, gây thiệt hại nhân mạng và tài sản rất lớn.
Một trường hợp khác, chiều ngày 18-10-2018, chiếc máy tời từ tầng 6 của một công trình trên đường Phan Châu Trinh rơi xuống, trúng ông N.H.T (65 tuổi, quê Hòa Vang) và anh N.V.S ( 27 tuổi, quê Thanh Hóa) khiến cả hai bị thương nặng và tử vong sau đó. Điều đó cho thấy, các chủ thầu ít chú ý đến sự an toàn cho người lao động. Trong khi đó, người lao động hiện nay chủ yếu vẫn là nông dân từ các vùng quê đến thành phố làm việc lúc nông nhàn nên cũng không chuyên nghiệp trong việc bảo đảm sự an toàn cho mình và những đồng nghiệp.
Bên cạnh sự chủ quan của các nhà thầu xây dựng (chủ yếu là nhà thầu công trình dân dụng, nhỏ lẻ) và sự lơ là của người lao động, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng cũng chưa có nhiều sáng tạo, đổi mới, để có thể “thẩm thấu” đến những đối tượng này. Thành phố đã 3 năm tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với quy mô khá lớn.
Tuy nhiên, hầu hết đơn vị tham gia là những doanh nghiệp lớn, làm khá tốt công tác an toàn vệ sinh lao động; thiếu vắng bóng dáng chủ thầu xây dựng dân dụng quy mô nhỏ cũng người lao động trực tiếp thi công tại các công trình dân dụng. Đây là lỗ hổng cần điều chỉnh trong thời gian đến để truyền tải thông điệp và kiến thức về an toàn lao động đến đúng người, đúng địa chỉ; từ đó giảm thiểu vấn đề TNLĐ như hiện nay.
Bài và ảnh: THANH VÂN