Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông song song với xây dựng mạng lưới cộng tác viên giàu nhiệt huyết, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) trên địa bàn huyện Hòa Vang có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân về chính sách dân số được nâng lên; qua đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.
Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Hòa Phước phối hợp cùng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức chương trình “Hướng dẫn tập trung về tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số, lợi ích tham gia dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh”. (Ảnh: Ban Dân số-Phát triển xã Hòa Phước cung cấp) |
Nhắc đến những kênh truyền thông quan trọng trong công tác DS - KHHGĐ thì không thể không nhắc đến những cộng tác viên dân số (CTV DS). Đây chính là những người trực tiếp đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động, tư vấn cho các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ. Làm công việc này chủ yếu là chị em phụ nữ, có tiếng nói tại địa phương, nắm bắt được tâm tư tình cảm các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, có khả năng thuyết phục và đặc biệt là có tâm huyết.
Gắn bó với công tác DS từ năm 2000 đến nay, chị Lê Thị Hồng Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Giáng Nam 1, đồng thời là CTV DS thôn, đã vận động được không biết bao nhiêu gia đình khó khăn, con đông sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, triệt sản…, giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
20 năm qua, ngày nào cũng vậy, tranh thủ những lúc đối tượng cần được tư vấn có ở nhà là chị đến, kiên trì phân tích về việc sinh đẻ có kế hoạch. Chị Thủy chia sẻ: “Nhờ nắm chắc các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, thường xuyên tiếp cận nên tôi không quá khó khăn trong việc vận động. Thôn luôn đạt chỉ tiêu trong công tác DS - KHHGĐ”.
Từ khi các dịch vụ phòng tránh thai được xã hội hóa từ năm 2016 đến nay, những CTV DS như chị Thủy gặp trăm bề khó khăn. Bởi có những hộ khó khăn, họ không đủ điều kiện để chi trả. Khoản tiền bỏ ra tuy không quá nhiều nhưng đối với họ là một vấn đề không hề nhỏ nên khá khó khăn trong việc vận động. Và đã không ít lần, để thuyết phục được những hộ khó khăn thuộc diện con đông dùng các biện pháp tránh thai, chị Thủy không ngần ngại bỏ tiền túi ra để hỗ trợ họ.
Chị Thủy bộc bạch, có lần, chị thuyết phục được chị H. thuộc diện khó khăn, có 3 con, đi đặt vòng tránh thai. Tối đến thì chồng chị H. vì lo cho vợ nên sang đập cửa nhà chị Thủy, buông ra những lời khiếm nhã với ý trách móc chị Thủy. Chị bảo: “Làm công tác này nhìn vậy chứ phức tạp lắm. Lỡ chẳng may người vợ gặp sự cố gì là mình sẽ liền bị mang tiếng”.
Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, Trưởng ban DS-KHHGĐ xã cho hay, xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nên ngay từ đầu năm, xã triển khai cho CTV 10 thôn về rà soát phân loại hướng tới đối tượng như những ai có khả năng thực hiện đặt vòng, dùng thuốc tiêm, thuốc cấy hay triệt sản; đồng thời sàng lọc ra những ai có khả năng chi trả toàn bộ kinh phí, những ai khó khăn cần hỗ trợ để từ đó phối hợp cùng cấp ủy chi bộ Ban nhân dân thôn tập trung tuyên truyền vận động. Công tác DS - KHHGĐ tại xã Hòa Phước đã có nhiều chuyển biến tích cực, số ca sinh con thứ 3+ có xu hướng giảm qua các năm (năm 2017: 15 ca, năm 2018: 11 ca). Số ca sinh con thứ 3+ trong 5 tháng đầu năm 2019 là 6 ca, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, mô hình Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế cũng là những “kênh” truyền thông quan trọng trong việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ tại xã Hòa Phước nói riêng cũng như các xã khác trên địa bàn huyện nói chung.
Trong khi đó, tại xã Hòa Phong, song song với các hoạt động tuyên truyền trên kênh truyền thông đại chúng, tư vấn theo nhóm cụm, phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ thành phố tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; xã còn chú trọng làm các băng-rôn, khẩu hiệu, tờ rơi về các nội dung DS-KHHGĐ; lồng ghép việc vận động thực hiện công tác DS- KHHGĐ với việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, những năm qua, Ban DS-KHHGĐ xã Hòa Phong luôn chú trọng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục làm thay đổi nhận thức, tập quán sinh đẻ trong nhân dân; vận động chấp nhận và thực hiện chủ trương mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con. Xã chú trọng việc tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cộng đồng, từng gia đình, từng nhóm đối tượng, đặc biệt là những cặp vợ chồng đã có từ 2 con trở lên, những gia đình sinh con một bề, những cặp vợ chồng trẻ; cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc SKSS, dịch vụ KHHGĐ đến người dân một cách thuận tiện, an toàn và thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ông Phan Phụng Trung, Trưởng phòng DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, ngoài việc cung cấp các kiến thức về công tác DS-KHHGĐ, phương pháp truyền thông, vận động người dân thực hiện chính sách DS, phòng đặc biệt chú trọng triển khai các nội dung, tuyên truyền Nghị quyết số 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; trong đó tập trung các nội dung nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
MAI HIỀN