Tìm lời giải cho bài toán không gian công cộng: Bài 2: Khai thác chưa hiệu quả 2 công viên lớn

.

Theo các nhà quy hoạch đô thị, Công viên 29-3 (thuộc địa bàn phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) và Công viên Thanh Niên (nằm giáp ranh quận Hải Châu và Cẩm Lệ) chỉ mang tầm cấp quận. Tuy nhiên, với thực tế của thành phố Đà Nẵng, đây là những khoảng xanh hiếm hoi giữa lòng đô thị. Vì thế, đầu tư, đổi mới, phát huy công năng với mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân là việc nên làm.

Các mảng xanh tại Công viên Thanh niên còn khá trống trải và dụng cụ trò chơi còn đơn điệu.                                                                Ảnh: KHÁNH HÒA
Các mảng xanh tại Công viên Thanh niên còn khá trống trải và dụng cụ trò chơi còn đơn điệu. Ảnh: KHÁNH HÒA

Trong đồ án quy hoạch chung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/2002/QĐ-TTG ngày 17-6-2002, Công viên 29-3 và Công viên Hòa Cường - Khuê Trung (Công viên Thanh Niên) được xác định là công viên cấp quận, phục vụ nhu cầu vui chơi, hưởng thụ của người dân, tạo mảng xanh giữa lòng đô thị.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, các không gian xanh này bị cắt xén hoặc bán cho doanh nghiệp, hoặc chuyển đổi thành mục đích sử dụng khác, không theo đồ án quy hoạch trước đó. Cụ thể, với Công viên 29-3, phía bắc công viên (đường Điện Biên Phủ) bị cắt xén 5.314m2 bán cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; phía nam công viên này (mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương) cũng bị cắt khoảng 665m2 bán cho một công ty cổ phần (trụ sở tại Hà Nội).

Diện tích đất quy hoạch dành cho Công viên Hòa Cường - Khuê Trung trước đây hơn 30ha nhưng từ năm 2004 đến nay, thành phố đã có điều chỉnh, thu hẹp diện tích để nhường đất xây dựng các công trình khác như: công trình trụ sở Thành Đoàn, sân golf, mở rộng diện tích Trường THCS Nguyễn Khuyến, mở rộng vành đai Trạm xử lý nước thải Hòa Cường…

Không chỉ bị thu hẹp diện tích, việc khai thác hai công viên này chưa hiệu quả như mong đợi. Ông Nguyễn Văn Tâm (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chia sẻ, Công viên 29-3 trước năm 1975 là khu vực bãi rác trung tâm của cả thành phố. Sau ngày giải phóng, lực lượng thanh niên thành phố đã phát động chiến dịch dọn bãi rác, đóng góp ngày công để trục vớt rác thải, đất đá để hình thành nên khu công viên phục vụ người dân. Chừng ấy năm qua, Công viên 29-3 đã trở thành nơi dừng chân quen thuộc của nhiều thế hệ người Đà Nẵng; là chốn thư giãn, tập thể dục… của nhiều người sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi, là biểu tượng văn hóa của thành phố.

Tuy nhiên, ngoài chức năng là nơi tản bộ, dạo mát, thỉnh thoảng tổ chức hội chợ, mỗi năm Công viên 29-3 chỉ rộn ràng duy nhất một lần trong dịp hội hoa xuân Tết Nguyên đán. Trong công viên có một phần diện tích khoảng 9.339m2 được bố trí các hạng mục công trình và điểm vui chơi giải trí. Nhưng đến nay, các thiết bị vui chơi giải trí ngoài trời này bị hư hỏng, xuống cấp… Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm tại hồ nước công viên đã diễn ra nhiều năm nay, vào mùa nắng nóng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng.

Người dân sống xung quanh công viên cho biết thêm, khu vực hồ này có hai cống xả dẫn nước thải từ khu vực đường Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Văn Linh (quận Thanh Khê) vào hồ, trở thành điểm trung chuyển nước thải trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt vào thời gian qua.

Tương tự, Công viên Thanh Niên được UBND thành phố đầu tư hơn 50 tỷ đồng nằm trên địa bàn giáp ranh giữa phường Hòa Cường Nam của quận Hải Châu và phường Khuê Trung của quận Cẩm Lệ đi vào hoạt động từ tháng 5-2018. Tuy nhiên, các hạng mục vui chơi, giải trí tại công viên khá nghèo nàn. Hơn nữa, thời gian dài không có người quản lý nên khá nhếch nhác, gây bức xúc cho dư luận.

“Người dân hy vọng thời gian tới, các ngành chức năng tìm giải pháp hợp lý để không lãng phí”, bà Nguyễn Thị Vân (người dân phường Hòa Cường Nam) nói.

Chờ giải pháp đột phá

Sau nhiều năm thuộc quản lý của Công ty Công viên cây xanh, đến tháng 12-2017, Công viên 29-3 được UBND thành phố giao cho UBND quận Thanh Khê tiếp quản, quản lý, vận hành, khai thác. Tuy nhiên, theo UBND quận Thanh Khê, khi tiếp nhận, các hạng mục vui chơi giải trí của Công viên 29-3 đã xuống cấp, hư hỏng. Quy hoạch về Công viên 29-3 được UBND thành phố phê duyệt tháng 10-2014, công viên được chia thành 12 khu vực với 23 hạng mục.

Ngoài ra, có 3 khu đất được thành phố cho phép khai thác theo hình thức xã hội hóa. Nhưng đến nay, nhiều hạng mục chưa được triển khai. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách quận còn gặp nhiều khó khăn, chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển tổng thể công viên xứng tầm là địa điểm vui chơi công cộng đặc trưng của thành phố. Riêng về ô nhiễm hồ nước, trách nhiệm quản lý lại thuộc về Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, không thuộc khả năng xử lý của quận.

Bà Hoàng Thị Kim Loan, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Khê cho biết, Quận ủy, HĐND, UBND quận Thanh Khê đặc biệt quan tâm đến khai thác hiệu quả Công viên 29-3. Cuối tháng 2-2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê đã tổ chức hội nghị phản biện lấy ý kiến của 40 trí thức, người có uy tín trong cộng đồng để góp ý cho Đề án “Phát triển Công viên 29-3”. Kế tiếp, tháng 4-2019, UBND quận Thanh Khê có Công văn số 583/UBND-VP kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương cho phép UBND quận Thanh Khê được điều chỉnh toàn bộ thiết kế quy hoạch Công viên 29-3, trong đó, có những hạng mục kêu gọi xã hội hóa.

Đề xuất của UBND quận cũng được lãnh đạo thành phố chỉ đạo kịp thời cho Sở Xây dựng xử lý. Tại Thông báo số 58/TB-UBND ngày 15-5-2019, Chủ tịch UBND thành phố kết luận thống nhất về nguyên tắc đối với đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 3321/SXD-QHKT về điều chỉnh quy hoạch Công viên 29-3, trong đó Sở Xây dựng cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giảm mật độ xây dựng công trình, các công trình xây dựng phải có tính phục vụ cộng đồng cao, thân thiện môi trường và không ảnh hưởng đến cây xanh hiện trạng. Thành phố cũng giao UBND quận Thanh Khê phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

“UBND quận đang phối hợp đơn vị tư vấn để tổ chức thi tuyển Phương án quy hoạch kiến trúc Công viên 29-3, dự kiến 30-6-2019 sẽ tiếp nhận hồ sơ dự thi”, bà Hoàng Thị Kim Loan nói.

Trong khi đó, ông Kiều Phan Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Cẩm Lệ cho biết, đầu năm 2019, UBND quận Cẩm Lệ đã tổ chức đấu thầu qua mạng dự án Quản lý vận hành và duy trì Công viên Thanh Niên năm 2019 (phần thuộc phạm vi quản lý của UBND quận Cẩm Lệ). Từ tháng 4 đến tháng 12-2019, đơn vị trúng thầu có nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, trồng thêm cây xanh, vệ sinh môi trường, có người bảo vệ 24/24 giờ…

“Nhờ đó, tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm được phản ánh trước đây đã không còn. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, chúng tôi đang chờ UBND thành phố xác định tài sản công tại đây và sau đó mới tiến hành kêu gọi liên doanh, liên kết theo đúng quy định”, ông Tuấn chia sẻ.

Đối với phần thuộc phạm vi quản lý của UBND quận Hải Châu, ông Nguyễn Hồ Hoàng Nam, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận cho biết, đơn vị trúng đấu thầu dự án Quản lý vận hành và duy trì Công viên Thanh Niên năm 2019 cũng đang đảm nhận công tác duy tu, bảo dưỡng chăm sóc tại đây. Quan điểm của quận, đây là công viên mở nên định hướng sẽ trồng thêm nhiều cây xanh, hoa… tạo bóng mát, cảnh đẹp cho người dân đi bộ, dạo mát, tập thể dục.

Theo KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng, nếu chiếu xét theo các tiêu chuẩn của một không gian công cộng phục vụ nhu cầu người dân, Công viên 29-3 và Công viên Thanh Niên chỉ mang tầm cấp quận (cấp độ 2: có diện tích từ 10-20ha), chưa phải là công viên cấp thành phố (cấp độ 3: có diện tích từ 50-100ha). Tuy nhiên, với thực tế của thành phố Đà Nẵng, đây là hai công viên có khoảng xanh hiếm hoi giữa lòng đô thị, việc đầu tư, đổi mới với mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân là việc nên làm.

NGỌC HÀ - KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.