Những nhân vật chúng tôi kể dưới đây đều là những người từng chỉ… thử ma túy để rồi trở thành những con nghiện. Nhưng rồi, bằng nghị lực, tình thương yêu của gia đình, họ đã vượt qua để trở về cuộc sống hạnh phúc, bình thường.
Ba nhân vật H.T.N, N.C.S và Đ.T.Q trong buổi nói chuyện với cán bộ, nhân viên Khu du lịch Bà Nà Hills tháng 6 vừa qua. |
Chơi ma túy để chứng tỏ... bản lĩnh (!?)
Tuổi 16, cái tuổi đẹp nhất của đời học sinh, cũng là tuổi bận rộn nhất cho việc học, nhưng với H.T.N, thì tuổi 16 được đánh dấu bằng những buổi trốn học để la cà cùng đám bạn xấu. Từ chỗ tập tành uống cà-phê, hút thuốc, rồi một đêm sinh nhật, N. cùng bạn bè thách nhau dùng thử ma túy để chứng tỏ... bản lĩnh. Một hơi đầu không thấy gì, bạn bè giục chơi tiếp, gật! Thế là hơi thứ 2 rồi thứ 3… lúc đứng dậy thì đôi chân không điều khiển được và ngã đổ về phía trước, đầu óc quay cuồng. H.T.N nhớ lại kỷ niệm lần đầu thử thuốc rồi nghiện lúc nào không hay. Cứ thiếu thuốc, N. bằng mọi cách để hút, bất chấp mẹ hù dọa, khóc lóc rồi van xin...
Còn N.C.S làm quen với ma túy khi mới vừa bước qua tuổi 18. Đó là một đêm cùng đám bạn xem bóng đá, để chống cơn buồn ngủ, bạn bè rủ “chích” một liều cho tỉnh, sau liều đó thì S. nôn thốc, nôn tháo. Nhưng đó cũng là thời điểm S. không bao giờ quên được cảm giác lâng lâng do ma túy mang đến, để rồi sau đó là những tháng ngày S. làm bất cứ việc gì để thỏa cơn nghiện, trộm cắp tiền gia đình, lừa tiền cả người yêu…
Trường hợp Đ.T.Q, cũng bước chân vào thế giới nghiện ngập khi mới vừa 17 tuổi, sau một lần được “mời” và cả thách đố của đám bạn lêu lổng bỏ học. Thử lần đầu không thấy gì, lần sau thử tiếp bắt đầu thấy đời “phơi phới” bay bổng. Đến lần thứ 3 thì bạn bè cắt nguồn. Thế là Q. phải xoay đủ kiểu để thỏa cơn nghiện. Từ chỗ vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu mỗi ngày, Q. vẫn không dừng bước, cho đến một ngày…
Bỏ ma túy nhờ nghị lực, tình thương yêu gia đình
Mỗi người một hoàn cảnh, một thời điểm khác nhau khi bị đưa vào Cơ sở Xã hội Bầu Bàng để cai nghiện, nhưng cả 3 nhân vật nêu trên đều chung một điểm là còn rất trẻ. Trong lúc có rất nhiều người gần như “đầu hàng” với điệp khúc cai rồi tái…, thì N., S., Q. lại khác. H.T.N tâm sự trong nước mắt: “Tôi như chết lặng khi nghe người nhà thông báo mẹ nhập viện cấp cứu vì bệnh tim ập đến. Không ai nói nhưng tôi hiểu bệnh là do tôi gây ra, đau đớn, hối hận vô cùng, tôi đã quyết tâm. Khi trở về nhà, để tránh đám bạn xấu, tôi quyết định di chuyển chỗ ở và chăm chỉ làm việc, cùng sự động viên thường xuyên của gia đình, tôi đã dần xa ma túy”. Còn với Q., vì không chịu nổi cảnh mỗi lần mẹ Q. lên thăm thì đi đâu bà cũng bị gọi là “bà là mẹ thằng nghiện”. Thế là, sau cai nghiện, Q. bỏ hẳn về quê ở Quảng Nam đúng một năm mới quay trở lại, bỏ luôn việc dùng điện thoại, vì vậy, đám bạn nghiện cũng không còn bu bám rủ rê.
Riêng S. thì không đi đâu, nhưng phải quay quắt kiếm chỗ làm và trụ lại được với nghề sơn vôi. Tuy nhiên với S, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân thì sự kiện đau buồn trong gia đình đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của S. Đó là người anh ruột khi trút hơi thở cuối cùng rất muốn gặp S, nhưng lúc đó S. đang ở Bầu Bàng không về kịp, điều này làm S. ray rứt và ân hận vô cùng.
S. hiện vẫn là thợ sơn vôi, nhưng anh đã trở thành “ông chủ thầu”, với phần lớn nhân viên đều từng cai nghiện. S tâm sự “ Chỉ có việc làm mới giúp người nghiện tránh được kẻ xấu rủ rê”. Còn N. hiện đã có gia đình và 1 đưa con gái nhỏ và bận rộn với quán ăn vặt do vợ chồng N. gây dựng trên đường Nguyễn Tất Thành. Còn Q. từ nhiều năm nay trở thành quản lý một khách sạn 3 sao trên địa bàn quận Sơn Trà, ngày đi làm tối về hạnh phúc cùng gia đình nhỏ với 2 đứa con xinh xắn.
Điều đặc biệt, cả 3 nhân vật chúng tôi có dịp tiếp xúc trên đều nói rằng, sau này khi các con họ lớn lên, họ sẽ nói thật với con về những lỗi lầm mà mình đã trải qua, với mong muốn rằng, các con sẽ không phải đi qua con đường mà cha chúng đã trải qua.
Thanh Vân