Trong nỗ lực cụ thể hóa quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã quyết định di dời Bảo tàng Đà Nẵng từ trong Thành Điện Hải ra khu vực các tòa nhà số 42 và số 44 Bạch Đằng và tòa nhà số 31 Trần Phú.
Nhiệm vụ thiết kế bảo tàng hiện đại ngay trên địa điểm có một “bảo tàng ngoài trời” như tòa nhà số 42 Bạch Đằng là một việc làm không hề đơn giản, vì thế từ cuối tháng 2 năm 2019, lãnh đạo thành phố đã chủ trương tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp các cơ sở số 42 và số 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú để làm Bảo tàng Đà Nẵng.
Cuộc thi thu hút được sự quan tâm của nhiều kiến trúc sư trong và ngoài nước, và qua sơ tuyển đã có bảy phương án có chất lượng được chọn để báo cáo vào chiều 8-6 vừa qua trước Hội đồng thi tuyển do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng làm Chủ tịch hội đồng.
Ban tổ chức cuộc thi sẽ công bố kết quả chấm chọn và tổ chức trao giải trong thời gian tới. Với tư cách người đại diện cho giới sử học thành phố tham gia Hội đồng thi tuyển, tôi có mấy thu hoạch cá nhân từ cuộc thi rất hấp dẫn và kịp thời này.
Hầu hết các tác giả có phương án dự thi đều cho rằng cái khó của trường hợp thiết kế kiến trúc ở đây là phải bảo đảm một cách hợp lý yếu tố bảo tồn - tránh tình trạng giữ nguyên cái cần phá dỡ và nguy hại hơn là phá dỡ cái cần giữ nguyên.
Đó cũng là đòi hỏi hàng đầu của lãnh đạo và nhân dân thành phố, cũng là tiêu chí chấm chọn số một của các thành viên Hội đồng thi tuyển. Là người nghiên cứu lịch sử, tôi rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn di sản trong cả 7 phương án - nói bảo tồn di sản là bởi không phải cái gì được giữ lại đều mang ý nghĩa bảo tồn.
Chẳng hạn việc nhiều phương án dự thi đã giữ lại hội trường mới xây mấy năm nay của HĐND thành phố ở giai đoạn 1 - hoặc ở cả 2 giai đoạn như yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi, chủ yếu là vì mục đích kinh tế/tiết kiệm ngân sách và do có thể tận dụng được công năng của hạng mục này, chứ không phải xuất phát từ yêu cầu bảo tồn di sản.
Trong những hạng mục được giữ lại vì yêu cầu bảo tồn di sản, có một số phương án thiết kế đã giữ nguyên, bảo tồn hình thức kiến trúc bên ngoài của cả 3 tòa nhà số 42 Bạch Đằng, số 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú; trong khi một số phương án thiết kế khác thì chỉ giữ nguyên, bảo tồn hình thức kiến trúc bên ngoài của hai tòa nhà số 42 Bạch Đằng, số 44 Bạch Đằng và chủ trương hạ giải toàn bộ hay một phần tòa nhà số 31 Trần Phú.
Tuy nhiên từ góc nhìn của những người làm sử, theo tôi chỉ giữ nguyên, bảo tồn hình thức kiến trúc bên ngoài của hai tòa nhà số 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú không có vấn đề gì đáng bàn, nhưng đối với tòa nhà số 42 Bạch Đằng thì vấn đề không đơn giản. Hai tòa nhà số 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú có thể được cải tạo bên trong cho phù hợp với yêu cầu của chức năng bảo tàng, còn tòa nhà 42 Bạch Đằng thì hai khối nhà bên trái và bên phải cũng có thể làm vậy, riêng khối nhà ba tầng chính giữa - tức là Tòa Đốc lý cũ được xây dựng từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XIX, phải được giữ lại nguyên trạng kiến trúc cả ngoài lẫn trong.
Nếu nói bản thân tòa nhà 42 Bạch Đằng cũng chính là “bảo tàng ngoài trời” thì đó là nói về khối nhà ba tầng chính giữa biểu tượng cho quyền lực quản lý Nhà nước của thành phố bên sông Hàn. Hai lần lá cờ cách mạng tung bay cũng là ở trên nóc khối nhà lịch sử ấy.
Đáng tiếc là cả bảy phương án dự thi - kể cả một số phương án được Hội đồng thi tuyển đánh giá cao - chưa có phương án nào thể hiện được yêu cầu nhạy cảm này. Không nên lấy cớ tận dụng diện tích trưng bày để cải tạo bên trong khối nhà ba tầng chính giữa, nơi được xem là “bảo tàng ngoài trời” - trung tâm quyền lực của Đà Nẵng hơn một thế kỷ. Đây không chỉ là di sản kiến trúc, đây chủ yếu là di sản lịch sử cần phải được bảo vệ nguyên vẹn/toàn khối.
Ngồi nghe tác giả từng phương án dự thi trình bày ý tưởng sáng tạo của mình, các thành viên Hội đồng thi tuyển rất ấn tượng với câu nói kết thúc phần trình bày của tác giả phương án lấy dòng sông và con thuyền làm ý tưởng chính trong thiết kế: “Bảo tàng thành phố Đà Nẵng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử mà còn là không gian mới để kết nối mọi người và cảm nhận các giá trị của cuộc sống hôm nay mà thành phố đem lại cho mọi người”.
Chính vì vậy mà các thành viên Hội đồng thi tuyển trân trọng với những hạng mục tân tạo trong các phương án dự thi - kể cả một số hạng mục rất chi lãng mạn như là hạng mục tầng quan sát để ngắm cảnh từ trên cao của chính tác giả phương án vừa nêu.
Đương nhiên các thành viên Hội đồng thi tuyển và bản thân các tác giả đều hết sức lưu ý sự hài hòa về phong cách kiến trúc giữa các hạng mục được giữ lại với các hạng mục sẽ được làm thêm; đồng thời cũng hết sức quan tâm đến công năng của các hạng mục sẽ được làm thêm sao cho không quá xa lạ so với công năng của một bảo tàng.
Các thành viên Hội đồng thi tuyển cũng ghi nhận những cách thể hiện mang dáng dấp của bảo tàng hiện đại, chẳng hạn như giải pháp xem kho không chỉ là nơi để bảo quản hiện vật mà còn là chỗ để trưng bày hiện vật cho khách vào tham quan.
Đặc biệt các thành viên Hội đồng thi tuyển đánh giá rất cao ý tưởng của tác giả nhiều phương án dự thi gắn không gian Bảo tàng Đà Nẵng trong tương lai với tổng thể không gian Quảng trường Thành Điện Hải, từ đó mà đánh giá rất cao ý tưởng kết nối giao thông giữa không gian Bảo tàng Đà Nẵng trong tương lai với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố và với không gian trung tâm của Quảng trường Thành Điện Hải.
Từ những tác phẩm dự thi được trao giải cho đến thiết kế hoàn chỉnh và chính thức được phê duyệt còn là một chặng đường dài, rồi từ thiết kế hoàn chỉnh và chính thức được phê duyệt cho đến ngày thực sự động thổ khởi công công trình cũng không phải là một quãng thời gian ngắn, nhưng lãnh đạo thành phố đang rất quyết tâm để rút ngắn các khoảng cách này, bởi sự khởi động của Quảng trường Thành Điện Hải chỉ có thể bắt đầu khi công trình cải tạo, nâng cấp các cơ sở số 42 và số 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú để làm Bảo tàng Đà Nẵng được đặt viên đá đầu tiên...
BÙI VĂN TIẾNG