Nguồn cung cấp nước sinh hoạt tại thành phố tiếp tục căng thẳng và liên tục vượt ngưỡng dự báo năng lực cấp nước thành phố. Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hụt nguồn nước thô và năng lực sản xuất nước sạch chưa bảo đảm nhu cầu sử dụng nước thực tế hiện nay.
Nhà máy nước hồ Hòa Trung đang được thi công. |
Loay hoay xử lý tình thế
Cuối năm 2018, với diễn biến nguồn nước nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ, nguồn nước thô bổ sung từ Trạm bơm An Trạch không bảo đảm, tình trạng cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở thành phố bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vào đầu tháng 5 vừa qua, sau khi thi công đấu nối trên đường ống cấp 1 của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), việc sản xuất và cung cấp nước tại thành phố không bảo đảm. Cùng thời điểm này, các nhà máy cấp nước Hải Vân, Sơn Trà bị khô cạn nguồn nước đã làm cho tình hình cấp nước ở thành phố trở nên căng thẳng hơn.
Trong những ngày này, tình trạng nước thiếu, nhiễm đục vẫn còn diễn ra. Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho rằng, nguồn cung cấp nước dù đang vận hành hết công suất, thậm chí chạy quá tải, nhưng vẫn thiếu nguồn cung cấp nước lên hệ thống. Mặt khác, Dawaco đang phối hợp đơn vị thi công triển khai vận hành kỹ thuật và thực hiện hiệu chỉnh dây chuyền xử lý nước thuộc dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 120.000m3/ngày, trong đó có phân kỳ 1 công suất 60.000m3/ngày. Việc vận hành kỹ thuật trong 10 ngày qua là bước chuyển tiếp, giai đoạn quan trọng trước khi chính thức đưa hệ thống vào vận hành phát nước vào mạng lưới nên cũng tác động đến chất lượng nguồn nước như hiện tượng nước đục.
Trong khi đó, Sở Xây dựng cho biết, đã lập kế hoạch phương án bảo đảm cấp nước trong những năm tiếp theo, đề xuất phương án xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà máy nước, nguồn nước, mạng lưới đường ống để cấp nước cho thành phố Đà Nẵng. Mặt khác, có phương án chủ động khai thác nguồn nước mặt không phụ thuộc vào một nguồn nước từ sông Cầu Đỏ hay An Trạch…; đồng thời tích cực triển khai dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên để cung cấp nước cho toàn bộ phía tây bắc thành phố.
Sở Xây dựng cho biết cũng đang nghiên cứu và có chủ trương xây dựng hệ thống Nhà máy nước Bàu Mít, lấy nước ở phía nam, qua đường vành đai phía nam cung cấp nước cho toàn bộ khu vực Ngũ Hành Sơn. Việc phân chia khu vực để cấp nước như vậy sẽ không bị phụ thuộc vào một nguồn. Trong khi đó, nếu nguồn nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn thì sẽ huy động tất cả các nguồn nước kết hợp để khắc phục.
Tại cuộc họp báo quý 1-2019 diễn ra ngày 24-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết thành phố đang triển khai nâng cấp (giai đoạn 2) Nhà máy nước Cầu Đỏ nhằm đưa khả năng cung cấp nước 210.000m3/ngày lên 310.000m3/ngày trong thời gian đến. Thành phố xây dựng các phương án và các giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố; trong đó có cả việc làm việc với các thủy điện để xả nước theo đúng quy trình nhằm hạn chế tình trạng nhiễm mặn ở hạ lưu; chuẩn bị hệ thống bơm tối đa 210.000m3/ngày tại trạm bơm An Trạch...
Tuy vậy, năng lực cấp nước ở thành phố vẫn không bảo đảm theo quy hoạch bởi đang thiếu nguồn cấp nước dự phòng. Theo quy hoạch tại Quyết định số 9018/QĐ-UBND ngày 28-12-2016, đến năm 2019, nhu cầu sử dụng nước ở thành phố là 351.000m3/ngày; năm 2020 có nhu cầu 462.000m3/ngày. Như vậy, ở thời điểm giữa năm 2019, năng lực cấp nước ở thành phố vẫn tiếp tục bám đuổi theo nhu cầu sử dụng nước đang tăng lên do tăng trưởng về dân số, tình hình phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch.
Đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy nước Hòa Liên
Triển khai kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn năm 2019 của UBND thành phố, dự án Nhà máy nước Hòa Liên đang được gấp rút triển khai. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn nhiều vướng mắc. Về công tác quy hoạch, cơ quan chức năng hoàn thành các nội dung về quy hoạch nhà máy tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và quy hoạch các công trình phụ trợ. Quy hoạch lòng hồ chứa nước đang được Sở Xây dựng thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt. Về đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường đang thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt.
Dự án nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ đang được thi công. |
Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết, hiện đã hoàn thành công tác đấu thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện nay, UBND thành phố đang xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy nước Hòa Liên sẽ áp dụng theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế - cung ứng vật tư thiết bị - xây lắp) để qua đó đưa công trình vào vận hành khai thác một cách đồng bộ, hoàn chỉnh.
Hiện nay, công tác giải tỏa đền bù đáp ứng được tiến độ triển khai dự án. Trong đó, khu vực triển khai nhà máy nước tại xã Hòa Liên có 200 hồ sơ đền bù giải tỏa về nhà đất đã tiến hành các thủ tục kiểm định, xét tính pháp lý. Hiện có 144 hồ sơ nhà đất gồm 88 hồ sơ nhà ở và 58 hồ sơ đất nông nghiệp đã được bàn giao mặt bằng với diện tích 3,7ha.
UBND thành phố phê duyệt quy hoạch và hiện đang bàn giao mốc giới, công bố quy hoạch để giải tỏa, thu hồi đất để xây đập dâng, trạm bơm, tuyến ống nước thô và hồ chứa; trong đó, tuyến ống nước thô được quy hoạch đặt dưới lòng đường và đi dọc theo đường ĐT 601 với chiều dài 10,2km.
Ông Nguyễn Hữu Hinh cho biết, vướng mắc hiện nay là thành phố cần sớm phê duyệt quy hoạch 1/500 đối với lòng hồ để lập thủ tục thu hồi đất; đồng thời thực hiện các kế hoạch thu hồi đất năm 2019 để triển khai các hạng mục công trình đối với đập dâng, tuyến nước thô và lòng hồ.
Cung cấp kịch bản cấp nước an toàn đến khách hàng Ngày 3-6, Sở Xây dựng cho biết, UBND thành phố vừa thống nhất kịch bản bảo đảm cấp nước an toàn năm 2019. Theo đó, giao Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) xây dựng phương án và tổ chức diễn tập, có sự giám sát của các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện; đồng thời cung cấp nội dung kịch bản đến khách hàng sử dụng nước; trong đó chú trọng khu vực dân cư có lắp đặt bồn nước và khu vực cần thực hiện cấp nước theo giờ trong trường hợp xảy ra sự cố. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG