72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019)

Tập trung nâng cao mức sống người có công

.

Một trong những “điểm cộng” nổi bật của công tác đền ơn đáp nghĩa của Đà Nẵng thời gian qua chính là tập trung nâng cao mức sống người có công trên địa bàn.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Thị Thúy Linh cho rằng, một trong những “điểm cộng” nổi bật của công tác đền ơn đáp nghĩa của Đà Nẵng thời gian qua chính là tập trung nâng cao mức sống người có công trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (trái) và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Phan Thị Thúy Linh thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Thìn ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Ảnh: HƯƠNG SEN
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (trái) và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Phan Thị Thúy Linh thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Thìn ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Ảnh: HƯƠNG SEN

 * Thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo đối tượng là người có công với cách mạng trên địa bàn như thế nào? Đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách so với mặt bằng đời sống người dân trên địa bàn được cải thiện ra sao?

- Trong những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn xác định công tác chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của Mặt trận, các hội, đoàn thể và nhân dân. Các chế độ, chính sách được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đến từng địa phương.

Hiện, thành phố Đà Nẵng có trên 100.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng gồm: hơn 17.000 liệt sĩ với hơn 27.000 thân nhân; 3.360 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), hơn 12.000 thương, bệnh binh; hơn 1.100 cán bộ lão thành cách mạng...; trong đó, có gần 21.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hằng năm hơn 372 tỷ đồng.

Qua 6 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH, chúng tôi đã tiếp nhận hồ sơ, giải quyết cho hơn 30.000 lượt đối tượng, phong và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH cho 1.776 Mẹ, trong đó, 201 Mẹ được phong tặng, 1.575 Mẹ được truy tặng. Hiện nay, 165 Mẹ còn sống đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng chu đáo.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách cũng được thực hiện thường xuyên. Trong những năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện hỗ trợ sửa chữa, xây mới 8.178 nhà (sửa chữa: 6.275 nhà, xây mới: 1.903 nhà) với kinh phí trên 250 tỷ đồng.

Nhìn chung, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục và đào tạo, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm... Đến nay, có thể nói hầu hết các hộ gia đình chính sách có mức sống khá hơn mặt bằng so với dân cư nơi cư trú.

* Đà Nẵng luôn có những chính sách, những cách riêng làm để góp phần nâng cao mức sống cho người có công, đặc biệt là việc đề xuất thông qua mức hỗ trợ cho một số đối tượng trong kỳ họp HĐND lần thứ 11 vừa qua. Bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Tại thành phố Đà Nẵng, ngoài thực hiện tốt các chính sách quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thành phố đã ban hành một số chính sách mang tính đặc thù như: trợ cấp đối với người có công mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp 500.000 đồng/tháng cho 2.647 đối tượng, kinh phí gần 40 tỷ đồng; ban hành quy định về trợ cấp hằng tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố, mức trợ cấp 100.000 đồng/người/tháng và nâng lên 200.000 đồng/tháng, đến nay đã giải quyết trợ cấp cho 985 đối tượng, kinh phí gần 10 tỷ đồng...

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.
Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Đặc biệt, kỳ họp thứ 11 ngày 11-7-2019 HĐND thành phố vừa qua đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng người có công với cách mạng và chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết gồm có 2 chính sách là: hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đối với 485 người có công với cách mạng với mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ 443 người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Tổng kinh phí thực hiện 2 chính sách khoảng 12 tỷ đồng/năm, từ nguồn ngân sách thành phố.

Chính sách này thực sự góp phần tạo điều kiện cho người có công được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, vì hầu hết đối tượng đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau; đồng thời tạo điều kiện cho một bộ phận người có công có hoàn cảnh khó khăn do già yếu, bệnh tật, không còn sức lao động có mức thu nhập thấp được nâng cao thu nhập hằng tháng, ổn định cuộc sống.

* Thời gian đến, Đà Nẵng cần làm gì để công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng?

- Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn là một lĩnh vực có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc trong mọi thời điểm. Với nhiệm vụ tham mưu cho UBND thành phố và trực tiếp triển khai các chính sách người có công trên địa bàn, chúng tôi nhận thức đây là trách nhiệm thiêng liêng, vừa là tình cảm cao quý đối với những người đã không tiếc máu xương hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi xác định để công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đạt hiệu quả tốt hơn và ngày càng đi vào chiều sâu, trước hết, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng chương trình tình nghĩa không những cần tăng về số lượng mà còn phải bảo đảm về chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, có khả năng huy động nguồn lực trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa cần được đẩy mạnh hơn nữa, chú trọng công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí vận động, thu hút được sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân, đơn vị, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kiều bào ở nước ngoài... với tinh thần trách nhiệm và tình cảm thực sự.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước đối với công tác người có công cần được chú trọng, bảo đảm các chế độ, chính sách được quản lý chặt chẽ, khoa học; việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng kịp thời, đúng quy định, không để xảy ra trường hợp hồ sơ trễ hẹn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng tại địa phương.

Việc chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng là việc làm của toàn xã hội. Và xã hội sẽ càng tốt đẹp hơn, văn minh và nhân ái hơn với những việc làm ý nghĩa đó, nhất là góp phần để công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa các giá trị nhân văn tốt đẹp đến với từng nhà, từng người, để truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta ngày càng phát huy, tỏa sáng.

* Xin cảm ơn bà!

NAM NA thực hiện

;
;
.
.
.
.
.