Kỷ niệm 65 năm ký kết hiệp định Genève (20-7-1954 – 20-7-2019): Giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại

.

Cách đây 65 năm, ngày 20-7-1954, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Genève (Thụy Sĩ). Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và bài học to lớn của cách mạng nước ta, buộc chính phủ Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đó là dấu mốc lịch sử quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại.

Quang cảnh phiên họp khai mạc Hội nghị Genève. Ảnh tư liệu
Quang cảnh phiên họp khai mạc Hội nghị Genève. Ảnh tư liệu

Hiệp định Genève được ký kết sau hơn hai tháng diễn ra hội nghị quốc tế ở Genève, là văn bản pháp lý quốc tế, ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của 3 nước Đông Dương; đồng thời phản ánh thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp với bước ngoặt cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève mở ra thời kỳ mới cho lịch sử và cách mạng Việt Nam cũng như cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hiệp định Genève đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên thế giới trong tư cách là một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Lần đầu tiên, Pháp và Mỹ phải chính thức công nhận điều đó và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Văn kiện lịch sử này là bằng chứng về tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân và tính tất thắng của cách mạng ở Việt Nam.

Hiệp định này buộc những kẻ nước ngoài xâm lược phải rút khỏi để nhân dân Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình trong cuộc tổng tuyển cử dự định được tiến hành sau đó 2 năm trên phạm vi cả nước. Đó là thắng lợi chính trị và pháp lý quốc tế vô cùng to lớn và quan trọng đối với Việt Nam tiếp theo những thắng lợi về quân sự mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hiệp định Genève khích lệ và tạo động lực mới cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, vì tự do và các quyền dân tộc cơ bản trên thế giới. Thắng lợi quân sự và chính trị, pháp lý và ngoại giao của Việt Nam đã góp phần đáng kể vào việc làm sụp đổ hệ thống thuộc địa trên thế giới và dẫn dắt các dân tộc đi tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới cũng như chống chủ nghĩa đế quốc...

Hiệp định Genève để lại nhiều bài học với giá trị to lớn đối với nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng tự do và hòa bình, đấu tranh cho độc lập và các quyền dân tộc cơ bản trên thế giới. Thế giới ngày nay đã khác nhiều so với cách đây hơn sáu thập kỷ. Dù vậy, ý nghĩa thời đại của Hiệp định Genève vẫn còn rất giá trị và thời sự. Thắng lợi về chính trị và pháp lý quốc tế của Việt Nam với Hiệp định Genève là những nhân tố rất quan trọng đối với thắng lợi về chính trị và pháp lý của Việt Nam với Hiệp định Paris năm 1973. Những bài học kinh nghiệm về ngoại giao từ Hội nghị Genève và Hiệp định Genève đã phát huy tác dụng cao độ trong quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris để đạt được kết quả là Hiệp định Paris.

Nhiều bài học lịch sử với giá trị to lớn đối với nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng tự do và hòa bình, đấu tranh cho độc lập và các quyền dân tộc cơ bản trên thế giới được đúc kết sau Hiệp định Genève. Đó là sự kiên định độc lập và tự chủ, vững tin vào chính nghĩa và công lý, đoàn kết và hợp tác quốc tế. Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, bài học về nắm bắt và hòa nhịp vào dòng chảy của thời đại để nhận biết, tạo dựng và tận dụng thời cơ vươn tới thắng lợi cuối cùng.

Ngày nay, bảo vệ lợi ích dân tộc giữa những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc trong môi trường chính trị, an ninh, đối ngoại, kinh tế và kinh tế đối ngoại cũng như trong điều kiện hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa luôn là thách thức hàng đầu và phức tạp nhất đối với mọi quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia phải đối phó với những tham vọng ích kỷ và vô lý của những đối tác lớn hơn.

Ý nghĩa và giá trị của những sự kiện lịch sử mang tầm vóc thời đại như Hiệp định Genève vẫn có và thậm chí càng có tác dụng to lớn cả về thực tiễn lẫn lý luận. 65 năm qua, từ thực tiễn lịch sử để lại nhiều kinh nghiệm quý báu để giải quyết các vấn đề về bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

D.MINH tổng hợp

;
;
.
.
.
.
.