Nâng cao chất lượng dân số ngay từ gia đình

.

Trong Chiến lược quốc gia về dân số - sức khỏe sinh sản, giai đoạn 2011-2020, Đảng ta xác định tập trung vào việc nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và duy trì mức sinh hợp lý.

Vậy muốn có chất lượng dân số thì mỗi đứa trẻ ngay từ khi còn là thai nhi đến khi sinh ra và lớn lên phải phát triển hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Điều 20 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã ghi: “Nâng cao chất lượng dân số là chính sách cơ bản của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước”.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng dân số là yếu tố rất quan trọng. Chính vậy, Nhà nước ta đã áp dụng nhiều chính sách như: Bảo đảm quyền cơ bản của con người: quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng về thể chất, trí tuệ, tinh thần; hỗ trợ nâng cao những chỉ số cơ bản về chiều cao, cân nặng; tăng tuổi thọ bình quân; nâng cao trình độ học vấn và tăng thu nhập bình quân đầu người; tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ nhân dân hiểu và chủ động tự nguyện thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dân số; đa dạng hóa các loại hình cung cấp hàng hóa và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt chú trọng về giáo dục, y tế để cải thiện chất lượng dân số. 

Tổng dân số Việt Nam hiện nay là 96.208.984 người, đông dân thứ 3 Đông Nam Á và 15 trên thế giới. Tỷ lệ giới tính là 99,1% nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ; khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Đây cũng là cơ hội và thách thức không nhỏ đối với việc nâng cao chất lượng dân số của Việt Nam. Nhà nước đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số, thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; xây dựng hệ thống an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao trình độ giáo dục và phát triển trí tuệ, phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội; giữ gìn giá trị văn hóa, tinh thần. Cơ quan quản lý Nhà nước về dân số có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng và triển khai thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân số với phát triển gia đình bền vững; cung cấp thông tin, tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ gia đình, cá nhân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.

Chất lượng dân số của Việt Nam có phát triển hay không phải bắt đầu từ chất lượng dân số của mỗi gia đình, xã hội hướng tới xây dựng mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Không phân biệt giới, phân biệt đối xử giữa con trai và con gái; bảo đảm phụ nữ và nam giới có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong việc xây dựng gia đình. Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm hỗ trợ nhau trong việc thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng thành viên trong gia đình.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới xác định: “Công tác dân số-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng sức khỏe, cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Vì thế, công tác vận động, khuyến khích mọi người tham gia KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược về thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Việc thay đổi tư duy và cách suy nghĩ đúng đắn của mỗi một người dân trong việc  nâng cao chất lượng dân số nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh, từ đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới cũng như việc thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, các dịch vụ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội... đóng vai trò vô cùng quan trọng, để từ đó nâng cao chất lượng dân số của thành phố Đà Nẵng nói riêng và  góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số chung của cả nước.

MINH PHÚC

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.