“Uống nước, nhớ nguồn”, “Ăn quả, nhớ người trồng cây”, xuyên suốt từ nhiều năm nay đaọ lý tốt đẹp đó đã được Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân thành phố Đà Nẵng thể hiện bằng hành động cụ thể. Đó là việc thực hiện đầy đủ và vượt khung chế các độ quy định của Nhà nước, đặc biệt là bảo đảm tất cả gia đình chính sách đều có được ngôi nhà vững chắc để ổn định cuộc sống, làm nơi thờ tự những liệt sĩ, anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 100.000 lượt người được hưởng các chế độ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (NCCVCM). Con số nói lên sự mất mát trong chiến tranh nhưng cũng rất đỗi tự hào của quê hương “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Đó cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc, quê hương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (thứ hai, từ trái sang) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng (thứ ba, từ trái) thăm một hộ gia đình được hỗ trợ sửa chữa nhà ở quận Sơn Trà.Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Từ nhiều năm qua, chính quyền thành phố luôn mạnh dạn đột phá ngay từ khâu xây dựng chính sách, để bảo đảm được mục tiêu gia đình NCCVCM có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Đầu tiên phải kể đến công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, nếu mức phụng dưỡng mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng là 300.000 đồng/tháng theo quy định của Trung ương, thì ngay từ năm 2002, thành phố đã “vượt khung” khi nâng lên thành 500.000 đồng/tháng. Năm 2007, khi cả nước nâng lên mức 500.000 đồng/tháng, thêm một lần nữa Đà Nẵng đã nâng lên mức 1 triệu đồng/tháng. Cả thành phố lúc đó có 3.256 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Bên cạnh đó, công tác vận động cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, qua từng thời điểm, điều kiện khác nhau, vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của tất cả tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị. Hàng trăm tỷ đồng từ nguồn quỹ tri ân đó đã kịp thời đến với những gia đình NCCVCM để giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Những năm qua, đã có gần 2.400 cá nhân NCCVCM thường xuyên ốm đau được nhận mức trợ cấp 300.000 đồng/tháng/người (trong khi mức của Nhà nước là 150.000 đồng/tháng/người), với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở luôn được lãnh đạo thành phố xác định là chính sách “xương sống”, nhằm bảo đảm gia đình NCCVCM có cuộc sống ổn định. Cột mốc đáng nhớ là năm 1998, thành phố ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND nhằm cụ thể hóa các tiêu chuẩn, chế độ hỗ trợ trong việc cải thiện nhà ở đối với NCCVCM. Và đến năm 2002, thành phố ban hành Quyết định 151/QĐ-UBND, bổ sung đối tượng và mức hỗ trợ cho NCCVCM sửa chữa, xây nhà mới.
Năm 2008, thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND nâng thêm mức hỗ trợ cho NCCVCM sửa chữa và xây dựng nhà mới. Đặc biệt năm 2014, khi triển khai Quyết định 22/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ xây mới nhà cho NCCVCM, thành phố đã mạnh dạn “phá rào” khi nâng mức sửa chữa nhà từ 20 triệu đồng/trường hợp lên 30 triệu đồng/trường hợp và xây mới từ 40 triệu đồng/trường hợp lên 60 triệu đồng/trường hợp.
Với rất nhiều cú hích từ chính sách của thành phố, công tác hỗ trợ gia đình NCCVCM cải thiện nhà ở trong những năm qua đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 1998-2008, đã có 25.688 lượt hộ gia đình NCCVCM được hỗ trợ 520 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới nhà ở.
Đặc biệt, thành phố đã mạnh dạn áp dụng chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ NCCVCM nằm trong diện giải tỏa, đền bù tái định cư, hoặc được bố trí đất xây dựng nhà ở. Đã có đến 7.724 hộ trong diện này được hỗ trợ gần 200 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới nhà ở.
Ngoài ra, còn có 12.875 hộ gia đình NCCVCM khác được hỗ trợ một phần sửa chữa, xây mới nhà với tổng kinh phí lên đến 200 tỷ đồng. Đáng nói, riêng việc thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ (từ năm 2014) trong bối cảnh nguồn kinh phí Trung ương chưa giải ngân kịp, thành phố đã quyết định chi ra trước 50 tỷ đồng; các quận, huyện chi thêm 29 tỷ đồng, cùng với nguồn vận động thông qua kênh của Ủy ban MTTQ các cấp gần 20 tỷ đồng, nguồn từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa hơn 42 tỷ đồng, tất cả đã được tập trung hỗ trợ cho các gia đình NCCVCM sửa chữa, xây mới nhà đúng kế hoạch ban đầu.
Bà Phạm Thị Lại (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) trong ngôi nhà khang trang được Nhà nước hỗ trợ xây mới.Ảnh: Thanh Sơn |
Theo bà Mai Thị Nga, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Ngũ Hành Sơn, nhờ những chính sách “vượt khung”, linh động của thành phố nên việc triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của thành phố đến với gia đình NCCVCM trên địa bàn quận thuận tiện hơn.
Bà Nga cho biết, 5 năm gần đây quận Ngũ Hành Sơn đã sửa chữa và xây mới được 824 ngôi nhà cho gia đình NCCVCM, vượt chỉ tiêu được giao gần 100 nhà. Riêng quận Ngũ Hành Sơn cũng đã tiếp tục nâng mức sửa chữa nhà của thành phố từ 30 triệu đồng lên 40 triệu đồng/nhà, bảo đảm nhà sửa chữa không chỉ chắc mà còn đẹp. Ngoài ra, những gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo còn được hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng/hộ/năm để có vốn làm ăn, nhiều hộ đã bày tỏ sự cảm kích lớn.
Trao đổi về câu chuyện này, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cho biết, năm 2019, xã không triển khai công tác sửa chữa, xây mới cho các gia đình thuộc diện chính sách, “đơn giản là chúng tôi đã hoàn tất chương trình này từ tháng 7-2018”.
Vào các ngày lễ, Tết... các gia đình NCCVCM của địa phương đều nhận được sự quan tâm, thăm viếng động viên chân tình nên bà con rất ấm lòng. “Bản thân tôi là người phụ trách công tác này trên địa bàn cũng thấy vui lây, thấy công việc mỗi ngày thêm ý nghĩa”, ông Phương chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, 5 năm gần đây, thành phố và các địa phương, đơn vị hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho 7.047 gia đình, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. |
THANH SƠN