Những phẩm chất cần có của cán bộ Mặt trận cơ sở

.

Cán bộ Mặt trận cơ sở phải có tâm và có tầm; phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; phải có đạo đức trong sáng và vững vàng; phải có trình độ nhất định để hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực. Tôi xin đề cập đến một số phẩm chất, kỹ năng cơ bản cần có của cán bộ Mặt trận cấp cơ sở như sau:

Sự đóng góp của cán bộ Mặt trận cơ sở có tính quyết định chất lượng các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì. TRONG ẢNH: Ngày hội đại đoàn kết ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.  							        Ảnh: SƠN TRUNG
Sự đóng góp của cán bộ Mặt trận cơ sở có tính quyết định chất lượng các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì. TRONG ẢNH: Ngày hội đại đoàn kết ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Ảnh: SƠN TRUNG

Vấn đề thứ nhất, cán bộ Mặt trận phải có phẩm chất đạo đức trong sáng và ý chí vững vàng. Con người có phẩm chất đạo đức tốt, trong sáng và ý chí vững vàng thì sẽ thành công trên mọi lĩnh vực. Chính vì vậy cán bộ làm công tác Mặt trận phải đòi hỏi về phẩm chất đạo đức trong sáng như: Không tư lợi, vụ lợi, thiên vị trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình và cá nhân. Những vấn đề này rất quan trọng đối với người làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Bởi vì nếu không có phẩm chất đạo đức trong sáng, người cán bộ Mặt trận sẽ không có uy tín để vận động, thuyết phục đoàn kết tập hợp các đối tượng, tầng lớp nhân dân.

Vấn đề thứ hai, có tinh thần đoàn kết cao là một phẩm chất mang tính phổ biến, cũng là nổi trội của cán bộ Mặt trận. Nói tới cán bộ Mặt trận là nói đến người đi “xây dựng” khối đoàn kết, là hạt nhân đoàn kết. Đương nhiên, đoàn kết thực sự phải từ các đối tượng, các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần giai cấp, quá khứ... Là hạt nhân xây dựng đoàn kết, cán bộ Mặt trận phải có thái độ không định kiến, phân biệt đối xử, có thái độ đúng mực và cũng phải biết đấu tranh để loại bỏ những bất đồng, mâu thuẫn để xây dựng và phát triển những điểm tương đồng là cốt lõi trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Vấn đề thứ ba, cán bộ Mặt trận cơ sở phải luôn hiểu sâu và nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước. Để thực hiện đạt kết quả, cán bộ Mặt trận phải luôn cập nhật thông tin, thường xuyên nghiên cứu để hiểu cặn kẽ, hiểu sâu vấn đề. Có hiểu sâu, hiểu cặn kẽ vấn đề mới tuyên truyền đúng và đầy đủ những chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân. Hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận ngày càng cao. Để làm được các nhiệm vụ đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải nắm sâu và chắc chủ trương, chính sách, pháp luật. Từ chỗ nắm sâu và chắc mới vận dụng sáng tạo vào trong cuộc sống thực tiễn, mới không bị chệch hướng, đúng trọng tâm.

Vấn đề thứ tư, cán bộ Mặt trận cơ sở phải am hiểu rộng về nhiều lĩnh vực. Lợi thế này giúp cho cán bộ Mặt trận có khả năng tiếp xúc và làm việc được với nhiều đối tượng, tầng lớp nhân dân. Mặt khác, cán bộ Mặt trận phải có kiến thức chuyên môn sâu về một số lĩnh vực để có thể tham mưu hình thành chủ trương, chính sách, tổ chức phong trào trong một số lĩnh vực theo yêu cầu công tác. Đây là những yêu cầu và thách thức, đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải liên tục nâng cao trình độ kiến thức sâu rộng mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Vấn đề cuối cùng, cán bộ Mặt trận cơ sở phải am hiểu về các tổ chức thành viên, nắm chắc quy chế phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có hội viên, chỉ có các thành viên bao gồm các thành viên tổ chức và các thành viên cá nhân. Mặt trận Tổ quốc được tổ chức theo nguyên tắc liên hiệp tự nguyện của các thành viên. Các thành viên tham gia Mặt trận đều có địa vị bình đẳng và độc lập với nhau.

Mỗi tổ chức thành viên cũng đại diện cho mọi đối tượng quần chúng, chính vì vậy đòi hỏi cán bộ Mặt trận cơ sở phải am hiểu sâu từng thành viên của mình để tuyên truyền thuyết phục, vận động cho phù hợp; phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường và lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước. Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai.

Nếu cán bộ Mặt trận có hiểu biết sâu về các tổ chức thành viên, ngoài công tác tuyên truyền thuyết phục, vận động còn có thể bàn thống nhất đi tới các giải pháp, biện pháp phối hợp và thống nhất hành động theo các lĩnh vực, chương trình công tác được thuận lợi hơn.

VÕ VĂN ĐOÀN

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián

;
;
.
.
.
.
.