TÁC PHẨM THAM DỰ GIẢI BÁO CHÍ BÚA LIỀM VÀNG 2019

Đà Nẵng với chính sách phát triển cán bộ nữ - Bài 1: Đột phá trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt cán bộ nữ

.

Hơn 15 năm về trước, Đà Nẵng có những bước đi tiên phong trong công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Từ chủ trương đó, đặc biệt từ sau năm 2010 đến nay, nhiều thế hệ cán bộ nữ của thành phố được đào tạo và ngày càng trưởng thành, phát huy vai trò, tinh thần làm chủ, sức sáng tạo và khả năng đóng góp của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển thành phố.

Đà Nẵng thực hiện bước đột phá khi Thành ủy triển khai đề án “Phát triển và tạo nguồn cán bộ nữ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án cán bộ nữ). Bước đầu thành phố đã chuẩn bị được đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ kế cận, khắc phục dần tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ nữ; từng bước nâng cao chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ nữ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, phục vụ kịp thời công tác nhân sự cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp.  

Quan tâm đến công tác cán bộ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của thành phố trong thời gian qua. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ tư, trái qua) cùng Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức thành phố nhiệm kỳ 2017-2022.  			                   Ảnh: DIỆU MINH-LAM PHƯƠNG
Quan tâm đến công tác cán bộ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của thành phố trong thời gian qua. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ tư, trái qua) cùng Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức thành phố nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: DIỆU MINH-LAM PHƯƠNG

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 30%-40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 8-8-2007, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình số 17-CTr/TU, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo đó là phát huy vai trò, tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp phát triển thành phố.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, các Quận ủy, Huyện ủy và Đảng ủy trực thuộc đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện góp phần nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ trong tình hình mới. Đặc biệt, ngày 14-4-2014, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án cán bộ nữ. Đề án này đã tạo đột phá và tiếp sức, tạo động lực để nhiều cán bộ nữ phấn đấu, được bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của thành phố.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Võ Văn Thương, Đề án cán bộ nữ đưa ra 4 giải pháp trọng tâm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; giải pháp về bố trí, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển; giải pháp về chính sách cán bộ nữ; giải pháp về giáo dục nâng cao nhận thức, định hướng việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Trong đó, thành phố quan tâm và tập trung lãnh đạo công tác xây dựng quy hoạch cấp ủy các cấp và các chức danh cán bộ chủ chốt diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào quy hoạch tăng so với các nhiệm kỳ trước. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý cũng có xu hướng tăng qua các năm. Đặc biệt, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án cán bộ nữ, đến nay đã có 33 cán bộ nữ được bổ nhiệm lần đầu vào các chức danh này.

Ông Võ Văn Thương cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, quy hoạch Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố gồm 102 người, trong đó có 23 nữ; quy hoạch lãnh đạo cấp sở, ngành thành phố có 410 người, trong đó có 125 nữ; cấp quận/huyện, quy hoạch BCH Đảng bộ gồm 455 người, trong đó có 179 cán bộ nữ; cấp phường/ xã, quy hoạch vào BCH gồm 1.338 người, trong đó có 539 nữ; quy hoạch vào các chức danh chủ chốt phường, xã có 921 lượt cán bộ, trong đó có 358 lượt cán bộ nữ, tăng hơn 10% so với nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, thành phố đặc biệt quan tâm đến cán bộ nữ. Sau 4 năm thực hiện Đề án cán bộ nữ, đến nay thành phố có 2 Ủy viên Ban Thường vụ là nữ, 7 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố là cán bộ nữ và 3 giám đốc sở là nữ. Ngoài ra, có 3 chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND quận là nữ…

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, để thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, Thành ủy, UBND thành phố đã có chính sách và dành nguồn ngân sách để trợ cấp, tạo điều kiện cho cán bộ đi học, nhất là đối với cán bộ nữ và thường xuyên điều chỉnh nâng mức trợ cấp cho các đối tượng đào tạo một cách phù hợp. Hằng năm, Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, Sở Tài chính ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng quan tâm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức là nữ. Cũng theo ông Võ Ngọc Đồng, Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 9114/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020.

Với sự quan tâm của Ban Thường vụ Thành ủy, nhiều cán bộ nữ đủ điều kiện được đề bạt, bổ nhiệm vị trí chủ chốt các sở, ngành. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (trái) trao quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Với sự quan tâm của Ban Thường vụ Thành ủy, nhiều cán bộ nữ đủ điều kiện được đề bạt, bổ nhiệm vị trí chủ chốt các sở, ngành. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (trái) trao quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đây là một giải pháp nhằm thực hiện Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020. Trong quá trình thực hiện công tác cán bộ, các cấp ủy Đảng đã có những quy định cụ thể về việc ưu tiên cho cán bộ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, thi tuyển, về tăng tỷ lệ nữ ở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. Bên cạnh đó, các ngành và các địa phương cũng có sự quan tâm về vật chất và tinh thần đối với cán bộ nữ được cử đi đào tạo.

“Điều kiện cử cán bộ nữ đi đào tạo của thành phố từ 5 năm xuống còn 3 năm. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho cán bộ nữ có nhu cầu tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ưu tiên cử nữ cán bộ, công chức, viên chức dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp; chọn ứng viên nữ khi xét chọn nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc hoặc xét chọn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và các hình thức biểu dương khác nếu ứng viên nam và nữ có thành tích như nhau”, ông Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh.

Bên cạnh việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn ngân sách, thành phố đã quan tâm cử cán bộ đi đào tạo theo Đề án 165 của Trung ương, đến nay đã cử 46 lượt cán bộ đi đào tạo, trong đó có 13 cán bộ nữ. Hiện nay, cán bộ nữ tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 đạt tỷ lệ 50%; số lượng nữ đại biểu HĐND thành phố 12/49; cấp quận, huyện 79/250; cấp phường, xã 527/1.550.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, để tạo đột phá trong thực hiện đề án “Phát triển và tạo nguồn cán bộ nữ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2020”, thành phố yêu cầu các cơ quan từ thành phố đến cơ sở, những đơn vị nào chưa có lãnh đạo nữ theo quy định thì nhất quyết phải để trống hoặc luân chuyển nơi khác đến. Điều này tạo ra trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong việc tìm giải pháp phát triển cán bộ nữ ở cơ sở.

“Hội LHPN thành phố đề xuất tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ nữ, cho phụ nữ trước các kỳ đại hội, tạo cho phụ nữ sự tự tin, kết nối, hỗ trợ nhau. Thành phố cũng quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ tổ chức các chương trình học hỏi, giao lưu từ thành phố đến cơ sở. Việc thành lập Hội Nữ trí thức thành phố, nhất là Nhóm liên kết phụ nữ tham chính thành phố và ở các quận, huyện với những cơ chế “mềm” để cho các nhóm này hoạt động đã tạo động lực để phụ nữ nỗ lực hơn để khẳng định mình”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Trong giai đoạn từ 2015-2018, thành phố đã cử 167 cán bộ nữ trong tổng số 372 cán bộ được đào tạo sau đại học; 1.873 lượt cán bộ nữ đi bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ. Số cán bộ nữ được tuyển chọn cử đi đào tạo theo đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố” chiếm tỷ lệ trên 55%. Đối với cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đến nay 100% cán bộ nữ có trình độ từ đại học trở lên và đã qua chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Bài và ảnh: DIỆU MINH - LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.