Chiều 29-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì hội nghị chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trên địa bàn thành phố. Cùng dự hội nghị có Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (giữa) phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm
Báo cáo về công tác GPMB, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Tô Văn Hùng cho biết, đối với dự án nhóm 1-2018 gồm 57 dự án là nhóm các dự án, công trình trước đây đã cam kết hoàn thành, UBND thành phố yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 30-4-2019; trong 6 tháng đầu năm hoàn thành 17 dự án, đạt gần 30%. Đối với dự án nhóm 1-2019 gồm 90 dự án là nhóm các dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án hoàn thành công tác đền bù năm 2019, đến nay mới hoàn thành 4 dự án. Đối với dự án nhóm 2-2019 gồm 61 dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công trong năm nay và năm 2020.
Tổng dự án của 3 nhóm từ năm 2018 đến nay mới hoàn thành 21/208 dự án, đạt 10%, với 1.544 hồ sơ cần giải tỏa trong năm 2019, đạt 15,8%. Về vốn chi trả đền bù đạt hơn 360 tỷ đồng, đạt 35,4%. Tính đến 30-6-2019, thành phố bố trí 857 lô đất tái định cư (TĐC) cho 601 hộ. Về bàn giao đất TĐC, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã bàn giao cho các quận, huyện 3.977 lô đất. Tính đến 30-6-2019, các quận, huyện đã bố trí 1.017 lô, còn lại chưa bố trí 2.960 lô đất. Về tình hình nợ đất TĐC, tính đến hết tháng 6, các quận, huyện còn nợ 359 lô đất TĐC đối với các hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng.
Theo ông Tô Văn Hùng, nhìn chung tiến độ thực hiện công tác GPMB rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án hiện nay là những dự án trọng điểm, cùng lúc phải đẩy nhanh tiến độ nên quá tải; phần lớn dự án dở dang kéo dài từ nhiều năm trước dẫn đến chênh lệch quá lớn về giá đất, giá đền bù; quỹ đất TĐC tuy thừa nhưng lại thiếu cục bộ ở 1 số dự án, khu vực cụ thể. Đặc biệt, sau khi điều chuyển nhiệm vụ giải tỏa đền bù về UBND các quận, huyện, quá trình triển khai công tác này đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ máy nhân sự của các tổ chức thực hiện công tác giải tỏa đền bù trên địa bàn quận, huyện chưa thật sự ổn định.
Chủ tịch Hội đồng GPMB dự án điều hành thiếu quyết liệt. Một bộ phận cán bộ, viên chức chưa chủ động tham mưu, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế…Mặt khác, công tác bồi thường GPMB trên địa bàn thành phố còn có một số tồn tại hạn chế như giá đất bồi thường cho người dân thường thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Các văn bản pháp lý liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai, bồi thường, hỗ trợ TĐC thiếu tính thực tế, không ổn định và chưa thực sự hoàn chỉnh. Quỹ đất công để thực hiện TĐC không có sẵn, kinh phí xây dựng khu TĐC còn khó khăn. Công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cấp, ngành, địa phương vận động nhân dân thu hồi đất ở một số địa phương còn hạn chế, chưa cụ thể, kém hiệu quả.
Hội nghị dành thời gian thảo luận về những vướng mắc trong thực hiện công tác GPMB nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn và tìm ra giải pháp thiết thực trong thời gian đến. Ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) cho biết, xã Hòa Liên có trên 38 dự án. Trong đó, 11 dự án chưa triển khai, ảnh hưởng hơn 2.800 hộ dân, gần 1.350 hộ dân thuộc diện di dời hẳn. Việc đầu tư các dự án trên địa bàn xã đã làm thay đổi diện mạo của xã từ cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn trong công tác GPMB như một số hộ dân chậm bàn giao mặt bằng hoặc hộ dân nhận 80% kinh phí đền bù nhưng lại chưa bàn giao mặt bằng; người dân tiếp tục kiến nghị hỗ trợ thêm đất TĐC, hỗ trợ trượt giá, hỗ trợ khó khăn. Ông Trương Tấn Mạnh đề xuất Hội đồng GPMB huyện Hòa Vang kiến nghị thành phố nên có những chính sách mới về hỗ trợ TĐC và sớm triển khai thực hiện hoặc có quyết định hủy bỏ đối với dự án chậm triển khai để nhân dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình cũng như việc khớp nối quy hoạch của thành phố cho phù hợp, kịp thời.
Trong khi đó, theo Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Trần Chí Cường, hiện nay thành phố đã giao thẩm quyền cho quận, huyện chịu trách nhiệm trong việc giải tỏa. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định của Hội đồng GPMB chỉ nằm trong phương án TĐC đã phê duyệt, những trường hợp vượt quá phương án, Hội đồng GPMB chỉ được quyết định không quá 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách trong giải tỏa, đền bù, bố trí TĐC hiện nay vẫn chưa nhất quán, còn chồng chéo. “Để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù tại các dự án thì phương án giải tỏa, đền bù, TĐC phải nhất quán, sát thực tế. Ngoài ra, thành phố cần rà soát điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định của pháp luật, phù hợp tình hình thực tiễn xây dựng và phát triển của thành phố”, ông Cường đề xuất.
Phải thay đổi phương án đền bù tái định cư
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác GPMB ở các dự án trong thời gian qua; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là đất chưa sử dụng, tránh tình trạng lấn chiếm đất công để đòi bồi thường khi có dự án đầu tư. Nhanh chóng kiện toàn bộ máy làm công tác GPMB ở các cấp, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng hình thành các dự án treo, để đất hoang, gây lãng phí cho xã hội và bức xúc trong nhân dân.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong quá trình thực hiện GPMB cần bảo đảm tính dân chủ, công khai, quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, cũng như có chính sách hỗ trợ, chia sẻ kịp thời các khó khăn đối với những trường hợp nằm trong diện di dời có tâm tư, nguyện vọng thực sự chính đáng. “Đã đến lúc phải thay đổi phương án đền bù TĐC theo cách tiếp cận mới, xóa bỏ cơ chế xin, cho. Trước đây chúng ta trả bằng đất, thì bây giờ có thể trả bằng tiền. Chúng ta có thể giải quyết 1 lô đất TĐC, còn lại người dân nhận tiền đền bù.
Nếu chúng ta không làm theo cách này, tình trạng GPMB, bố trí TĐC sẽ vẫn tồn tại cơ chế xin, cho”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các địa phương, các Ban quản lý dự án cần tập trung GPMB đối với những dự án trọng điểm của thành phố; đặc biệt, phải điều chỉnh đơn giá đền bù cho phù hợp theo quy định của Nhà nước. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý UBND thành phố và các sở, ban, ngành và các địa phương phải xem xét, rà soát lại một cách tổng thể; đồng thời có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác GPMB, giải tỏa, đền bù và bảo đảm việc phân cấp, phân quyền trong công tác này phù hợp, nhận được sự đồng thuận của người dân.
Quy hoạch khu đô thị phục vụ tái định cư Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu UBND thành phố cần rà soát lại việc phân cấp công tác GPMB về các quận, huyện; nếu phát sinh bất cập cần kịp thời tháo gỡ và đánh giá hiệu quả của phân cấp, phân quyền trên lĩnh vực này. Mặt khác, cần xem xét lại quỹ đất phục vụ TĐC; thay vì nhiều dự án nhỏ lẻ thì nên quy hoạch 1 khu đô thị phục vụ TĐC cho người dân; phải minh bạch các dự án, các lô đất TĐC; phải chuẩn bị quỹ đất TĐC trước khi triển khai dự án. |
TRỌNG HÙNG