Sáng 25-7, cuộc Gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 dã được tổ chức tại Hà Nội.
Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nằm trong các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019), thể hiện trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Cuộc gặp mặt do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất /TTXVN |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tới dự buổi Lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các địa phương, tỉnh, thành, các nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thương binh nặng tiêu biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại cuộc gặp mặt, 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12 ngàn thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước. Các đại biểu đều mất sức lao động 81% trở lên, trong đó có hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động trên 90%, 8 đại biểu mất sức lao động 100%, 406 thương binh đang sống cùng gia đình và người thân, 94 đại biểu thương binh đang được chăm sóc tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; 30 thương binh là người dân tộc thiểu số, 44 đại biểu thương binh nặng là nữ, 35 đồng chí thương binh bị mất thị lực hoàn toàn, 68 đồng chí di chuyển bằng xe lăn, 29 đồng chí sử dụng chân giả và phần đông các đại biểu ở độ tuổi 70 - 80 tuổi.
Các thương binh nặng dù đang sống cùng gia đình hay tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống, học tập, lao động và công tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thương binh nặng tiêu biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trong số 500 đại biểu, nhiều người là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là những tấm gương tiêu biểu trong hàng triệu những tấm gương tiêu biểu trong công cuộc kháng chiến vĩ đại và thần kỳ của dân tộc. Tiêu biểu là thương binh nặng Lê Hữu Trạc (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), với những chiến công hiển hách trong chiến đấu giữ đảo Cồn Cỏ đã cùng với đơn vị tiêu diệt nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài của quân địch. Về địa phương, ông Trạc tham gia làm Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Bình và đã có nhiều đóng góp, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thương binh nặng tiêu biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trong 44 đại biểu nữ thương binh nặng, có bà Nguyễn Thị Thanh Hoài (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Sớm giác ngộ và tham gia phục vụ cách mạng từ năm 12 tuổi, bà là đội phó đội thiếu niên tiền phong thôn 4 xã Điện Trung, lập rất nhiều thành tích trong công cuộc kháng chiến và bị thương nặng trong một lần bị địch phục kích. Hiện nay, tuy thị lực bị suy giảm, nhưng bà vẫn vượt qua mọi khó khăn thách thức trong cuộc sống để chăm lo cho gia đình cũng như hoạt động cộng đồng.
Nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như thương binh nặng Hoàng Văn Tuyên (phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Trở về với cuộc sống đời thường, ông đã không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh doanh và trở thành giám đốc công ty may, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, trong đó phần nhiều là con em thương binh, gia đình chính sách. Công ty có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, một phần trong đó ông Tuyên dành đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.
Hay thương binh Dương Văn Bỉ (thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), mất sức lao động 86%, năm nay đã gần 80 tuổi, hàng ngày vẫn cùng con cháu tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy có hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng với diện tích canh tác hơn 6.000 m2, vừa trồng cây nông nghiệp, trồng cỏ nuôi bò, trồng cây ăn quả lâu năm kết hợp đào ao thả cá, nuôi tôm sú, doanh thu mỗi năm của gia đình ông đạt hàng trăm triệu đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thương binh nặng tiêu biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đó là tấm gương thương binh, thầy giáo Trần Quang Liệu (phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội). Chiến tranh khốc liệt đã lấy đi của ông một con mắt, mắt còn lại thị lực rất yếu nhưng ông vẫn quyết tâm đi tìm tri thức. Sau khi tốt nghiệp đại học khoa sư phạm toán, ông làm giáo viên. Về nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe đã yếu, mắt đã mờ, nhưng ông vẫn dành nhiều tâm huyết để truyền con chữ cho những trẻ em hàng xóm, láng giềng. Gia đình ông luôn gương mẫu, chấp hành tốt các quy định của nhà nước và địa phương. Các con ông đều là những giảng viên, bác sỹ của các trường đại học, bệnh viện lớn.
Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến... Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Cùng với đó, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thương binh nặng tiêu biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Từ năm 2010 đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6,5 nghìn tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155 nghìn căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13 nghìn tỷ đồng; tặng trên 124 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Hiện nay, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Theo Báo Tin tức