Triển khai mạnh mẽ Chính phủ, chính quyền điện tử

.

Ngày 23-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.  					Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Báo cáo tình hình triển khai Chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (gọi tắt là Ủy ban), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng thư ký Ủy ban cho biết, đến nay 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực.

Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP, đã cơ bản hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao với những kết quả tích cực, như từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng. Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; các nội dung lớn của Cổng dịch vụ công quốc gia đang được thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, phải đạt kết quả tốt nhất, hiệu quả nhất để phục vụ nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mục tiêu của Chính phủ điện tử là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ. Về nguyên tắc, phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Các dự án triển khai phải đặt dưới sự bảo đảm về an ninh, an toàn mạng của một đơn vị có thẩm quyền, có trách nhiệm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung xây dựng, sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong tháng 11-2019. Về cách tiếp cận, cách làm Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ. “Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại.

Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Ủy ban hằng năm đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện. “Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công”, Thủ tướng nêu rõ.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.