Làm rõ nhiều vấn đề nóng và trách nhiệm người đứng đầu

.

Ngày 15-8, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) tiến hành chất vấn 15 thành viên Chính phủ về tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời các câu hỏi của đại biểu. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời các câu hỏi của đại biểu. Ảnh: TTXVN

Trước phần chất vấn, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tổng hợp về việc thực hiện 4 nghị quyết và 4 kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 trên 10 lĩnh vực; Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Bảo đảm an ninh mạng, an toàn xã hội

Trả lời chất vấn về công tác quản lý mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ Thông tin-Truyền thông xây dựng, vận hành Trung tâm Giám sát an toàn mạng quốc gia, có chức năng giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam để tránh việc toàn bộ những gì người Việt Nam trao đổi, chia sẻ, mua bán được lưu trữ ở nước ngoài.

Liên quan vấn đề quản lý sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cơ bản đã loại bỏ nhiều sim không đủ thông tin nhưng thừa nhận còn tồn tại lượng sim rác lớn trên các kênh bán hàng. “Từ đây tới tháng 9-2019, bộ sẽ tập trung giải quyết sim rác trên kênh bán hàng bằng việc nhà mạng phải mua lại. Nếu còn tồn tại sim rác, nhà mạng không được cấp phép các dịch vụ mới như mobile money”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp.

Trả lời chất vấn về đấu tranh triệt phá các băng nhóm tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, lực lượng Công an đã làm tan rã 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi liên quan tín dụng đen; đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can liên quan đến tội danh tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê; trong đó, đã khởi tố 214 vụ với 947 bị can cho vay nặng lãi trong quan hệ dân sự.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh tình hình hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho nhân dân. Hoạt động này có thể biến tướng. Việc xử lý gặp nhiều khó khăn, nhiều đối tượng lách luật. Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục thực hiện, duy trì khí thế tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Tiến độ cao tốc phía đông còn chậm

Trả lời chất vấn về việc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, do đây là dự án quan trọng quốc gia, bộ báo cáo với Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp.

Thường trực Chính phủ cũng đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này sẽ bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, cũng như bảo đảm quốc phòng-an ninh. Về tiến độ tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đây là một trong những trục đường quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.

Đối với đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ để hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho phép nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án. Việc điều chỉnh dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Đây là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư.

Liên quan đến phát triển thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam có khoảng 95.500 tàu các loại, xấp xỉ 1 triệu người hoạt động khai thác thủy sản.

Thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tuyên truyền các kỹ năng cho ngư dân, cũng như triển khai các quy định của Luật Thủy sản, thời gian qua, Bộ NN&PTNT thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân 28 tỉnh duyên hải đi khai thác bảo đảm an toàn, có kỹ năng ứng phó thiên tai...; tập trung tuyên truyền để bảo đảm hiệu quả khâu liên kết, thành lập nghiệp đoàn nghề cá.

Về trang thiết bị, cả nước đang từng bước nâng cấp 82 cảng cá, 58 khu neo đậu. Các loại tàu 24m trở lên đang lắp đặt thiết bị hành trình; sắp tới trang bị toàn bộ cho tàu từ 15m đến dưới 24m. Đồng thời, Bộ NN&PTNT quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp để sớm khắc phục “thẻ vàng” để trở về trạng thái “thẻ xanh” đối với hàng hóa thủy sản xuất khẩu.

Làm rõ trách nhiệm, đưa ra giải pháp hiệu quả

Làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều lưu ý tình trạng tham nhũng vặt. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và nhân dân; liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức.

Vì vậy, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về quy trình thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, cần hệ thống giám sát bằng công nghệ thông tin; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, có quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn, giám sát những vấn đề Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chất vấn, giám sát. Điều này thể hiện tính liên tục trong hoạt động giám sát cũng như tinh thần trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành xem lại những công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn đã nghiên cứu kỹ các báo cáo và tích cực tranh luận đi đến cùng của vấn đề. Phần trả lời của các bộ trưởng cơ bản đầy đủ, thẳng thắn nhận trách nhiệm và nêu giải pháp trong thời gian đến. Tuy nhiên cũng có những nội dung trả lời nêu vấn đề mà chưa rõ trách nhiệm.

“Phiên chất vấn là bức tranh với những điểm sáng về các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội nhưng cũng có điểm còn hạn chế mà người đứng đầu các bộ, ngành đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm để khắc phục trong thời gian đến”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. 

Bố trí 1.000 tỷ đồng giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số

Trả lời chất vấn về công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá kết quả đạt khá tốt, tốc độ giảm khoảng 4-5%/năm. Bộ trưởng Chiến cho biết Quốc hội đã đồng ý bố trí vốn trung hạn khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện các quyết định của Thủ tướng về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khó khăn trong xã hội hóa cảng hàng không

Về khó khăn trong công tác xã hội hóa các cảng hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện cả nước có 22 sân bay nhưng chỉ có sân bay Vân Đồn do tư nhân quản lý, 21 sân bay còn lại, Chính phủ đã giao Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý. Trong cơ cấu vốn của ACV, vốn Nhà nước chiếm 95,6%. “Với 21 sân bay này, chỉ 8 sân bay có lợi nhuận, còn lại thu không đủ chi. Các nhà đầu tư chủ yếu tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không có lợi nhuận cao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Hạn chế lao động xuất khẩu phá vỡ hợp đồng

Trả lời chất vấn về tình trạng lao động Việt Nam phá vỡ hợp động, tự ý bỏ ra ngoài làm việc, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin chuyện này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Năm 2016 được đánh giá là năm có tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%. Tuy nhiên đến nay, con số này còn 33% và nước đối tác cho rằng đây là tỷ lệ chấp nhận được. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về trách nhiệm trong việc chi sai bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đến nay chưa thấy có con số nào báo cáo cho thấy chi sai tới 72 tỷ đồng. Việc chi 72 tỷ đồng này đã từng được báo cáo trước Quốc hội.

SƠN TRUNG
 

;
;
.
.
.
.
.