Đến thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) hỏi ông Lê Văn Định (SN 1967) thì hầu như ai cũng biết, bởi ông không chỉ là xóm trưởng nhiệt tình, trách nhiệm với công việc mà còn là người dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào của xóm.
Ông Lê Văn Định (phải) bàn bạc với người cao tuổi về công tác chuẩn bị giải bóng chuyền giao hữu giữa thanh niên 4 tổ dân cư. |
Trong căn nhà đơn sơ của người làm nghề mộc, chúng tôi gặp gỡ và chuyện trò với ông Định - xóm trưởng của 4 tổ dân cư với 166 hộ dân thôn Phú Sơn Nam 4 năm nay. Chức danh xóm trưởng do Ban cán sự xóm gồm những người cao tuổi có uy tín trong làng giới thiệu để người dân bầu chọn vào dịp 25 tháng Chạp hằng năm.
Ban cán sự xóm có cơ cấu tổ chức chặt chẽ gồm 1 xóm trưởng, 2 xóm phó và 2 thư ký. Dưới Ban cán sự xóm có Ban lễ nghi với các thành viên chủ yếu là người cao tuổi, tất cả nhiệm vụ của các thành viên này do xóm trưởng điều tiết nhằm phục vụ lợi ích chung của xóm. Trong thôn, nếu gia đình nào có ma chay, người dân báo với xóm trưởng, rồi sau đó báo với Ban nhân dân thôn. Việc cúng kính, chiêng trống, cờ áo do Ban cán sự xóm hỗ trợ hoàn toàn.
Chuyện người dân 4 tổ dân cư của xóm tự bỏ tiền túi, góp công xây mới 350 phần mộ vô tự trên diện tích 1.200m2 tại khu vực gò Bá Xứ của thôn Phú Sơn Nam hồi đầu năm 2018 chính là nhờ tâm ý và vai trò tiên phong của ông Định. “Để có kinh phí thực hiện nguyện vọng chính đáng của bà con trong xóm, vào các dịp chạp mã, tế lễ tại khu vực âm linh (14-7 âm lịch, 25 tháng Giêng và 25 tháng Chạp), chúng tôi đề đạt ý nguyện với con cháu làm ăn xa quê, đồng thời gửi thư kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chung tay “sưởi ấm” những linh hồn vô tự”, ông Định chia sẻ. Ngay sau khi phát động, 166 hộ dân của 4 tổ dân cư và con em xa quê đều đồng tình, cùng nhau góp công, góp tiền, hộ ít nhất 50.000 đồng, hộ nhiều nhất 5 triệu đồng để xây mới các mộ phần.
Ông Trần Lê Toán (86 tuổi, ở thôn Phú Sơn Nam) bày tỏ: “Trước khi làm việc gì cho xóm, anh Định thường tham khảo ý kiến của các “già làng”. Đối với việc xây mới 350 mộ phần vô tự, anh Định liên tục “đứng điểm” cả tháng cùng làm với bà con khi mưa cũng như khi nắng. Điều này làm chúng tôi cảm phục nên người dân trong xóm sẵn lòng ủng hộ cả tâm lẫn sức”.
Dịp 25 tháng Chạp hằng năm, Ban cán sự xóm vận động người dân 4 tổ dân cư đóng góp kinh phí để tổ chức cúng kính, hương khói, an ủi những vong hồn vô tự tại khu vực âm linh này. Sau phần lễ, Ban cán sự xóm còn tổ chức giải bóng chuyền giao hữu giữa người dân 4 tổ. Đội vô địch được nhận “chiếc cúp” đơn sơ do Ban cán sự xóm tự làm và 1 quả bóng chuyền. Vậy mà ai cũng phấn khởi.
Ông Định còn cho biết, nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp đều được Bán cán sự xóm ghi chép cẩn trọng. Ngoài việc hương khói, cúng lễ tại âm linh thì trích một phần kinh phí để thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, người mắc bệnh hiểm nghèo và ủng hộ các hoạt động văn hóa, thể thao cho các hội, đoàn thể của thôn.
Điều đáng nói là gia đình ông Định không khá giả gì, ông làm nghề mộc, vợ làm công nhân, nuôi thêm vài chục con gà để có kinh phí trang trải cho 2 con đang học đại học. Thế mà, có lần nhìn thấy bãi đất trống trước nhà mình bị bỏ hoang, trong khi thanh niên trong xóm không có nơi để đá bóng, đánh bóng chuyền, ông Định ra dọn vệ sinh, nhổ cỏ sạch sẽ.
Thấy vậy, người dân cũng xắn tay cùng làm rồi kêu gọi mọi người ủng hộ thêm vài xe đất để san lấp, làm nên sân bãi rộng thoáng. Giờ đây, chiều chiều, nhiều thanh niên ra đây đá bóng; một số ít thì đánh bóng chuyền; người già, trẻ nhỏ hò hét, cổ vũ, rôm rả cả một vùng. Tình đoàn kết, gắn bó trong thôn xóm nhờ đó cũng bền chặt hơn.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TẤN