Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội tháng Bảy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; bức tranh vĩ mô có chiều hướng tốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Ngày 1-8, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng Bảy dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng Bảy và 7 tháng đầu năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá (9,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%.
Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Hơn 79.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Có 24.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 30%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%; tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% (cùng kỳ là 29%); xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tóm tắt những sự kiện lớn trong tháng vừa qua như kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thủ tướng vui mừng nhắc đến hai hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn ở Lào Cai, Kiên Giang và đánh giá “không khí đầu tư làm ăn của các nhà đầu tư trong nước rất tốt” nhất là việc có nhiều nhà đầu tư trong nước.
"Đây là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế tự cường," Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng bổ sung thông tin chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng Bảy tăng so với tháng 6-2019 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm).
Thủ tướng phân tích trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, WB là 6,6%, HSBC là 6,7%.
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN.
Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội tháng Bảy, Thủ tướng cho rằng kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng khá. Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Thủ tướng đánh giá lĩnh vực du lịch tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng với tổng lượng khách quốc tế tháng 7 tăng gần 8%. Nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á, thế giới như: Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới; Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019.
Cùng với đó, công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ phát sinh thiếu đói giáp hạt giảm gần 32% so với cùng kỳ, hỗ trợ thiếu đói gần 3.900 tấn gạo. Ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao, việc thực hiện cuộc vận động doanh nghiệp, người dân giảm sử dụng đồ nhựa một lần đạt những kết quả bước đầu khả quan.
Đề cập đến những nội dung của phiên họp lần này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cần tập trung thảo luận về các tồn tại, hạn chế, yếu kém để sớm khắc phục, đưa ra các biện pháp, đối sách cụ thể.
Thủ tướng chỉ rõ một số khó khăn, tồn tại như nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; bão số 3 đang tiến gần vào bờ với cường độ mạnh hơn; nắng nóng gay gắt, kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên; dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành; giá cả một số nông sản giảm...
Bày tỏ lo lắng về tình trạng chậm tiến độ tại một số dự án công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm, Thủ tướng chỉ đạo cần thúc đẩy giải quyết vấn đề này trong thời điểm cuối năm. Ngoài ra, một số công trình năng lượng cũng cần đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo an ninh năng lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý thêm về những bức xúc nổi lên để cùng tháo gỡ một số tồn tại lâu nay như tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều vấn đề bất cập; sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn cần giải quyết, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn một số hạn chế.
Theo chương trình phiên họp, ngoài các nội dung kinh tế-xã hội, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến về một số nội dung như vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 51/NQ-CP về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công của các bộ, cơ quan, địa phương; phương án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển Đà Nẵng để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2019; về đề nghị xây dựng nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần...
Chính phủ cũng sẽ thảo luận về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW và Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo VietnamPlus