Thời gian qua, các đơn vị quân đội, công an đã chủ động phối hợp cùng lực lượng tại chỗ tích cực chữa cháy, khắc phục hậu quả các vụ cháy rừng trên địa bàn, do thời tiết nắng nóng kéo dài gây ra.
Lực lượng dân quân chữa cháy rừng tại khu công nghiệp quận Cẩm Lệ. |
Những tháng vừa qua, trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ lên đến 39- 400C, trên địa bàn thành phố xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, làm thiệt hại hàng ngàn ha rừng trồng, bạch đàn, keo các loại. Điển hình là các vụ cháy ở khu vực Thanh Vinh (phường Hòa Khánh Bắc, Quận Liên Chiểu); khu rừng trồng (thuộc xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang); hay khu vực Hồ Xanh (bán đảo Sơn Trà)...
Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi xảy ra cháy, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phát huy được vai trò của lực lượng tại chỗ, kịp thời huy động dân quân, bộ đội, công an, kiểm lâm và người dân chủ động chữa cháy, tạo đường băng cản lửa chống cháy lây lan. Do làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, ngay khi có lệnh, các đơn vị lực lượng vũ trang thành phố như Trung đoàn 971, Đại đội trinh sát... đã nhanh chóng cơ động đến các nơi xảy ra cháy rừng, sát cánh với các lực lượng tham gia dập lửa, di dời người và tài sản nhân dân kịp thời.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chủ nhiệm Chính trị, Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: “Hằng năm, đơn vị đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch “4 tại chỗ” để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tổ chức luyện tập thường xuyên, sẵn sàng các phương án khi có tình huống xảy ra. Vì vậy, khi có các sự cố thiên tai, cháy rừng, chúng tôi sẵn sàng lên đường triển khai nhiệm vụ ngay”.
Điển hình như để dập vụ cháy ngày 7-7 ở núi Thanh Vinh, phường Hòa Khánh Bắc-khu vực chủ yếu trồng keo và cây bụi, diện tích khoảng 5.000m2, gần 100 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 971 và lực lượng dân quân các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc đã không quản vất vả, đêm hôm tích cực tham gia dập lửa. Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Đám cháy không lớn nhưng do gần khu vực dân cư và khu vực núi dốc thẳng đứng nên việc tiếp cận, chữa cháy khó khăn, không thể dùng phương tiện cơ giới nên dập lửa chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Các lực lượng bộ đội, dân quân đã tích cực tham gia chữa cháy, sau gần 1 ngày đã khống chế ngọn lửa lây lan”.
Những vụ cháy rừng liên tiếp trong đợt nắng nóng cao điểm là hồi chuông cảnh báo nguy cơ “hỏa tặc” rất cao ở những nơi có rừng. Nguyên nhân các vụ cháy rừng được xác định là do thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với ý thức sử dụng lửa của một bộ phận người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng tại chỗ huy động tới khá đông nhưng hầu hết không có đủ dụng cụ nên lửa cháy không được dập ngay từ đầu mà lây lan rộng. Địa hình rừng núi hiểm trở, xa nguồn nước nên việc đưa lực lượng, phương tiện và lấy nước vào vị trí chữa cháy gặp không ít khó khăn, dẫn đến việc tiếp cận khu vực cháy lớn để dập lửa là rất nguy hiểm.
Thiệt hại lớn từ các vụ cháy rừng vừa qua ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống của người dân. Vì vậy, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ rừng thì việc trang bị phương tiện chuyên dụng về chữa cháy cho lực lượng dân quân, bộ đội là rất cần thiết. Các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn rà soát kế hoạch, sẵn sàng các phương án phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, phát huy vai trò của lực lượng chức năng tại chỗ trong canh trực phòng cháy; đồng thời, có biện pháp kiên quyết xử lý đối với những cá nhân, tập thể thiếu ý thức trong bảo vệ rừng, để xảy ra cháy... Có như vậy mới hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Bài và ảnh: C.T