Việc triển khai áp dụng chữ ký số trên địa bàn thành phố khá phổ biến, hiệu quả xử lý công việc cao, đặc biệt đón đầu xu hướng xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Dẫu vậy, qua quá trình triển khai vẫn còn phát sinh những hạn chế nhất định cần giải pháp cụ thể để hoàn thiện.
Hai năm liền, quận Sơn Trà duy trì vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng nhóm quận, huyện toàn thành phố về ứng dụng công nghệ thông tin, đạt 85,85 điểm. TRONG ẢNH: Văn phòng UBND quận Sơn Trà thực hiện các thao tác ký số cơ quan trên văn bản ban hành. |
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Quang Thanh, CKS đưa vào áp dụng ở Đà Nẵng từ 10 năm nay; khoảng 3-4 năm trở lại đây phổ biến hầu khắp các đơn vị, cơ quan chức năng từ thành phố về phường, xã. Hằng năm, Sở TT&TT đều đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin đối với các cơ quan, đơn vị toàn thành phố, trong đó có ứng dựng thực hiện CKS. “Trong năm 2018, các cơ quan, địa phương đã đẩy mạnh sử dụng các phần mềm dùng chung như: phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, CKS, dịch vụ công trực tuyến... Đặc biệt, tỷ lệ liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan thành phố, tỷ lệ sử dụng CKS, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bố trí kinh phí cho triển khai ứng dụng CNTT tăng cao so với năm 2017”, ông Thanh nói.
Ông Huỳnh Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, ông được cung cấp ứng dụng CKS và triển khai áp dụng từ 2 năm nay. Đến nay, hiệu quả CKS mang lại là rất đáng kể, từ việc tiết kiệm thời gian, không gian làm việc cũng như tính tiện lợi mà ứng dụng CKS mang lại. “Khi làm việc ở cơ quan, đi họp ở quận hoặc thành phố, tôi chỉ thao tác ít thời gian trên máy tính xách tay hoặc máy tính bảng, điện thoại thông minh thì có thể hoàn thành thủ tục ký hồ sơ mà không phải chờ bản giấy nhân viên mang đến tận tay hoặc đi đến cơ quan mà hiệu quả ngay tức thì”, ông Trung cho biết. Theo ông Trung, để sử dụng được thành thạo thì phải có kiến thức căn bản về tin học ứng dụng từ phía lãnh đạo và chuyên viên; đồng thời có cơ sở vật chất là máy móc, phương tiện phù hợp, đáp ứng nhu cầu áp dụng ứng dụng.
Tại các phường của quận Hải Châu, việc triển khai CKS cũng thực hiện khá sớm. Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) cho biết, việc áp dụng CKS từ nhiều năm nay, nhưng hiện ông chỉ sở hữu một CKS do Sở TT&TT cấp phục vụ cho giao dịch hành chính của chính quyền. Còn giao dịch khác như với Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế thì bộ phận kế toán phường phụ trách giao dịch, lãnh đạo vẫn ký tay. Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Trung cho biết, ông hiện được cấp 2 CKS, một thuộc hệ thống chính quyền điện tử và một do Kho bạc Nhà nước cấp. “Việc có cùng lúc nhiều CKS gây bất tiện cho người dùng, trong khi hình thức và giá trị pháp lý của chữ ký ngang nhau. Chưa kể, hiện nay, để thực hiện CKS, buộc phải có cơ sở vật chất tương thích, hầu hết bản thân tôi phải tự bỏ tiền túi ra sắm để phục vụ công việc cho thuận tiện”, ông Trung nói. Còn ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, việc áp dụng CKS chủ yếu phát hành ngang hoặc phát hành lên cấp trên; còn phát hành văn bản về khu dân cư, tổ dân phố vẫn buộc phải có văn bản giấy. “Sau khi ký văn bản trên máy, chuyên viên vẫn phải in ra giấy để phát hành về cơ sở dưới phường”, ông Nghĩa cho hay.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, hiện nay có những phát sinh bất cập trong quá trình sử dụng CKS chưa thể khắc phục. Theo quy định, CKS có giá trị pháp lý ngang với chữ ký tươi, nhưng nguyên tắc lưu trữ văn bản, vẫn phải có bản in giấy và chữ ký tươi để lưu trữ, dẫn đến chưa thể thay thế chữ ký tươi và văn bản giấy. Mặt khác, khi sử dụng dịch vụ CKS, bình quân tốn chi phí gần 2 triệu đồng/năm bao gồm cả bảo trì, duy tu. Một bất cập phát sinh mà nhiều lãnh đạo cấp phường, xã thắc mắc và cả ông Thanh cũng lo ngại đó là người được cấp CKS giao cho người khác dùng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin, không bảo đảm tính bảo mật và nguy cơ phát sinh hệ lụy nghiêm trọng. “Nếu các vị lãnh đạo sở hữu CKS, nhưng lại giao cho văn thư hay người khác ký thay, nếu sử dụng sai mục đích, nhất là trong các giao dịch liên quan đến đất đai, tài sản, an ninh-quốc phòng... thì nguy cơ gây hậu quả lớn sẽ xảy ra. Đây là cảnh báo đến người được giao quyền sở hữu CKS phải có trách nhiệm và nguyên tắc khi sở hữu, sử dụng CKS, tránh gây hậu họa về sau”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo kết quả đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018 trên địa bàn thành phố, việc sử dụng CKS của sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố, tỷ lệ văn bản đi ban hành có CKS cơ quan tăng từ 80% (2017) lên 84% (2018). Đối với nhóm cơ quan Trung ương (Thuế, Hải quan, Công an, Bảo hiểm, Kho bạc, Thống kê), tỷ lệ tương ứng về CKS 80% văn bản ban hành có CKS cơ quan. Đối với nhóm quận, huyện, tỷ lệ tương ứng sử dụng CKS 99% văn bản ban hành có CKS cơ quan. |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY