Đưa đảng viên là cán bộ, công chức công tác tại phường, xã về sinh hoạt tại chi bộ Đảng khu dân cư (KDC) làm cho sức chiến đấu của chi bộ mạnh lên là chủ trương đúng đắn. Đây là phản ánh của các phường, xã sau 5 tháng thực hiện chủ trương không tổ chức chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn theo Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, công chức 10 phường thuộc quận Thanh Khê thi tìm hiểu cải cách hành chính. |
Chi bộ khu dân cư mạnh hơn
Theo Bí thư Đảng ủy phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) Huỳnh Sơn Hải, sau hơn 10 năm thực hiện mô hình tổ chức chi bộ cơ quan phường, xã có một số ưu điểm như tạo điều kiện cho đảng viên là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; gắn quản lý, đánh giá, nhận xét đảng viên với kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên có nhiều thuận lợi từ khâu lựa chọn quần chúng ưu tú, phân công đảng viên giúp đỡ, cử đi học lớp bồi dưỡng kết nạp, lập thủ tục hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng.
Tuy vậy, trên thực tế việc xác định mối quan hệ của chi bộ cơ quan phường với cấp ủy viên phụ trách Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể còn chồng chéo; chưa phân định thẩm quyền trách nhiệm lãnh đạo nhiệm vụ chính trị đối với các cơ quan của phường. Chi bộ cơ quan phường còn gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo và tổng hợp, báo cáo hằng tháng, hằng quý vì phải tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhiều tổ chức. Do vậy, việc triển khai Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) là phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) Phan Châu Tuấn bày tỏ đồng tình với chủ trương giải thể chi bộ và đưa hơn 31 đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ KDC. Chủ trương này tạo điều kiện cho Đảng ủy phường kiện toàn, nâng chất lượng và tạo sự đồng đều cho các chi bộ KDC. “Chúng tôi rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của tất cả các chi bộ KDC rồi xem xét, lựa chọn và đưa các đảng viên chi bộ cơ quan phường về với mục tiêu chi bộ chưa mạnh thì phải mạnh lên, chi bộ nào đã hoạt động tốt rồi thì tiếp tục phát huy”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, sau 5 tháng đưa đảng viên tăng cường cho các chi bộ KDC, đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo của chi bộ và phong trào của KDC ngày càng rõ nét hơn.
Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Thanh Khê Lê Tấn Dũng đánh giá việc giải thể và đưa đảng viên chi bộ cơ quan phường về sinh hoạt tại các chi bộ KDC có 3 mặt lợi ích. Thứ nhất là tăng cường lực lượng đảng viên, đồng thời nâng cao chất lượng, sức chiến đấu, hiệu quả lãnh đạo cho chi bộ KDC. Thứ hai, đảng viên đang là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường sẽ là cầu nối hiệu quả chuyển tải thông tin 2 chiều giữa phường và KDC nhanh hơn. Thứ ba, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên đang công tác tại phường.
Khó kết nạp đảng viên mới
Bên cạnh ưu điểm, ông Lê Tấn Dũng cũng nêu vướng mắc trong thực hiện chủ trương này cần được tháo gỡ. Theo quy định của Trung ương, sau khi giải thể chi bộ cơ quan phường, xã, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách chưa là đảng viên được đưa về nơi mình cư trú để chi bộ KDC nơi đó theo dõi, xem xét kết nạp đảng viên mới.
Việc đánh giá để kết nạp Đảng của chi ủy chi bộ KDC nơi người đó sinh sống là việc rất khó vì khá nhiều trường hơp cư trú ở phường này nhưng công tác ở phường khác. Mặt khác, do đặc thù công tác tại phường, xã, cán bộ, công chức không chỉ làm việc trong giờ hành chính mà còn phải bám địa bàn, tham dự các cuộc họp KDC nơi được giao theo dõi phụ trách; do đó thời gian về tham gia phong trào, hoạt động ở nơi mình cư trú rất hạn chế. Đảng ủy phường Tân Chính (quận Thanh Khê) phản ánh gặp khó khăn khi muốn xem xét kết nạp Đảng đối với một trường hợp cán bộ không chuyên trách nhưng nơi cư trú ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Vừa qua, Đảng ủy phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) đưa 1 cán bộ không chuyên trách về sinh hoạt với Chi đoàn Cơ quan Quân sự phường, 1 cán bộ không chuyên trách khác đưa về KDC nơi có trụ sở phường đóng để chi bộ KDC nơi đó xem xét kết nạp Đảng.
Ông Lê Tấn Dũng đề nghị Trung ương cần có hướng dẫn cho phép cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách chưa phải là đảng viên thuộc đoàn thể nào thì giao cho đoàn thể đó quản lý đưa về sinh hoạt tại 1 chi hội, đoàn thể trên địa bàn phường, xã cán bộ đó đang công tác để chi bộ KDC nơi đó xem xét kết nạp Đảng.
Quy định như vậy mới có thể phát triển được đảng viên trong những cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã. Còn theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Liên Chiểu Lưu Thị Hiền, một số phường của quận xử lý việc này bằng cách đưa những cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn Thanh niên về sinh hoạt tại Chi đoàn Cơ quan Quân sự phường để làm nguồn kết nạp Đảng. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm thời, cần phải có hướng dẫn của Thành Đoàn về việc này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đảng viên.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN