Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để tăng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng

.

Đã tròn nửa thế kỷ Bác Hồ đi xa, nhưng lời Di chúc của Người nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn luôn là kim chỉ nam định hướng cho chúng ta hành động, học tập và làm theo lời dạy của Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Trong Di chúc để lại cho đời sau, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Lời Di chúc của Bác tuy ngắn gọn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa khẳng định tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng, vừa căn dặn chúng ta phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh và phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Những điều căn dặn của Bác cũng là phương châm mà mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể và mỗi đảng viên, cán bộ phải nắm vững và quán triệt trong tự phê bình và phê bình, nếu không sẽ chệch hướng.

Tự phê bình là tự mình nói lên những ưu khuyết điểm của bản thân mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao trên tinh thần dân chủ, nghiêm chỉnh, nói thẳng, nói thật, nói rõ những đúng sai của chính mình cho người khác biết để phê bình, góp ý.

Một khi có hạn chế, khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ mà được phê bình trước tập thể để mọi người biết và phê bình thì người tự phê bình cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, phấn khởi như trút được gánh nặng trong tư tưởng mình, vì mọi việc đúng sai đã được giãi bày trước tập thể.

Còn việc xử lý khuyết điểm (nếu có) như thế nào thì tổ chức sẽ căn cứ vào những quy định của Đảng để thực hiện đối với từng đảng viên, cán bộ có sai phạm một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một khi có khuyết điểm (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) mà thật thà tự phê bình, thật thà tự nhận khuyết điểm “đó là những lời tự phê bình thống thiết”(1).

Vấn đề cần quan tâm đối với tự phê bình và cả phê bình của cá nhân không phải là để thi hành kỷ luật họ, mà mục đích là tạo điều kiện để những người tham gia kiểm điểm được nói lên ưu điểm của mình để phát huy và mặt hạn chế, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, khắc phục, sửa chữa.

Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với tự phê bình, một mặt phải thật thà, nghiêm túc, nói rõ đúng sai, không che giấu khuyết điểm cũng như ưu điểm của cá nhân. Mặt khác, không đổ lỗi cho khách quan, viện lý do này, lý do khác để thanh minh, bào chữa cho những khuyết điểm của mình.

Đương nhiên, cũng có những khuyết điểm, sai lầm của cá nhân trong một số trường hợp có một phần do khách quan, nhưng nếu người cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, đủ tỉnh táo để nhận thức sự vật, hiện tượng một cách đúng đắn, đúng với bản chất của nó thì sẽ hạn chế được khuyết điểm, sai lầm do khách quan gây ra. Như vậy, “tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm”(2).

Phê bình là việc mình đi góp ý người khác khi lắng nghe tự phê bình của họ nhằm bổ sung, đóng góp thêm ý kiến hoặc chỉ ra những điều mà người tự phê bình chưa nói hết, nói thật, mục đích là giúp cho người khác thấy được khuyết điểm để tiếp thu, sửa chữa. Và điều quan trọng của “phê bình không phải để có phê bình mà cần phải đi đến sửa chữa những khuyết điểm đã nêu ra nếu những khuyết điểm đó đúng…” (3).

Qua đó, có thể thấy tự phê bình và phê bình đều có mục đích và ý nghĩa như nhau, đều làm rõ đúng sai, ưu khuyết điểm của cá nhân. Nó chỉ khác nhau ở chỗ tự phê bình là tự mình nói lên những ưu khuyết điểm của chính mình, còn phê bình là mình phê bình, góp ý cho người khác hoặc tiếp thu ý kiến của người khác phê bình mình. Một điểm chung nữa của tự phê bình và phê bình là đều thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau như Bác Hồ đã dạy.

Cũng như tự phê bình, trong phê bình đòi hỏi phải có tinh thần xây dựng, phê bình nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý, không chụp mũ, không áp đặt cho người có khuyết điểm, mà phải thẳng thắn, công tâm, chỉ rõ đúng sai của người bị phê bình để họ tiếp thu một cách thoải mái, không gây căng thẳng, ức chế về tâm lý, tư tưởng.

Nói cách khác, là phải có phương pháp phê bình phù hợp, có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng, không đao to, búa lớn, “không nên phê bình ẩu, phê bình suông”, không những làm cho người bị phê bình cảm thấy mình bị xúc phạm, bị dồn vào chân tường, mà còn làm cho việc phê bình nặng nề, dễ dẫn đến mất đoàn kết, làm sứt mẻ tình đồng chí trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất nghiêm khắc trong tự phê bình và phê bình.

Nhưng phương pháp phê bình của Người rất nhẹ nhàng, khéo léo mà sâu sắc, có lý có tình, có sức cảm hóa và tính thuyết phục cao, khiến cho những ai có khuyết điểm, sai lầm mà chưa nói thật phải động lòng, cảm thấy có lỗi và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình với một tinh thần thật sự cầu thị. Theo Bác “phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ”(4).

Suy cho cùng, tự phê bình và phê bình không chỉ giúp cho đảng viên, cán bộ tiến bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, hiệu quả công tác của mỗi người, mà còn có tác dụng chống tiêu cực, tham nhũng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và của đảng viên, cán bộ.

Thực tế cho thấy, tự phê bình và phê bình không phải là “vạch lá tìm sâu” mà thực chất là để ngăn ngừa, phát hiện những việc làm sai trái của cá nhân, tổ chức, giúp cho những người “có vấn đề” nhận rõ đúng sai, kịp thời sửa chữa khi còn chưa muộn. Bởi lẽ “mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ”(5).

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Bài học nhãn tiền về những vụ việc xảy ra trong nhiều năm qua, nhất là trong vài ba năm gần đây cho thấy, có một số đảng viên, cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao của các cơ quan Trung ương và địa phương phạm những khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến cách chức, khai trừ Đảng, khởi tố, bắt tạm giam, phạt tù.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, “chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức Đảng và 7.923 đảng viên, trong đó, 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với một tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã về hưu.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự…”(6). Đây thật sự là một sự đau lòng của Đảng khi phải xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ có sai phạm để giữ vững kỷ luật, kỷ cương và sự trong sạch của Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Đành rằng, những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên như đã nói trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là việc tự phê bình và phê bình không được thực hiện thường xuyên, nghiêm chỉnh, còn nể nang, bao che cho nhau, không dám nói thẳng, nói thật, thậm chí mất dân chủ…

Việc làm thiếu trách nhiệm này ở một số tổ chức và cá nhân đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều cấm của Đảng đối với đảng viên, cán bộ, làm suy yếu tổ chức Đảng, làm hư hỏng đảng viên, cán bộ.

Ngược lại, nếu thực hiện tốt tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên và nghiêm chỉnh thì sẽ góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những khuyết điểm, sai lầm của tổ chức và cá nhân, nhất là những người có chức, có quyền.

Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình như lời căn dặn trong Di chúc của Bác. Không được xem nhẹ, buông lỏng tự phê bình và phê bình, mà phải coi đây là vấn đề quan trọng để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

PGS.TS.PHẠM HẢO

;
;
.
.
.
.
.