Vì lợi ích người dân, quyết giữ bờ biển, dòng sông

.

Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp. Vì vậy việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lợi tự nhiên luôn được thành phố chú trọng. Những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch, phát triển không gian đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thay đổi nhanh chóng theo hướng công nghiệp, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, cũng thừa nhận rằng trong quá trình phát triển đó, có thể nói là khá nóng đã bộc lộ những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai, trong đó có việc sử dụng quỹ đất ven sông, ven biển.

Nhiều dự án, công trình mọc lên tại các vệt ven sông, ven biển đã án ngữ lối đi và ảnh hưởng đến việc tiếp cận bờ sông, bờ biển của người dân thành phố và khách du lịch, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Nhận thấy được bất cập đó, ngay từ năm 2017, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu vực ven sông, ven biển trên tinh thần những gì có thể giữ lại được thì kiên quyết giữ, những khu đất đang có dự án triển khai thì đàm phán với chủ đầu tư để cùng nhau thống nhất điều chỉnh, với mục đích quyết giữ bờ biển, dòng sông hướng đến phục vụ tốt hơn cho cộng đồng nhưng bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp.

Đà Nẵng chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu vực ven sông, ven biển, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.  TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng dọc hai bờ sông Hàn.									          Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG
Đà Nẵng chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu vực ven sông, ven biển, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng dọc hai bờ sông Hàn. Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG

Mở rộng không gian công cộng ven biển

Hiện nay không riêng Đà Nẵng mà nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các địa phương có sông, có biển đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc giữ bờ sông, bờ biển để phục vụ mục đích phát triển kinh tế-xã hội, theo hướng giữ lại để người dân cùng hưởng lợi.

Mới đây (ngày 10-9-2019), Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông kênh nội thành, các giải pháp để hoàn thành cơ bản bờ kè sông Sài Gòn và kênh nội thành vào năm 2025”, hay như tỉnh Bình Định đã có chủ trương điều chỉnh lại quy hoạch, nhằm mục đích tạo khu vực công cộng, cảnh quan ven sông, ven biển.

Đối với Đà Nẵng, địa phương được thiên nhiên ưu tặng bãi biển tuyệt đẹp, là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh như Tạp chí Forbes bình chọn. Tuy nhiên, thời gian qua việc sử dụng vệt đất ven biển của thành phố nảy sinh nhiều bất cập, vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhất là chưa có quy hoạch bài bản, nhiều công trình, dự án đã thi nhau mọc lên vượt tầm kiểm soát, làm thu hẹp không gian bờ biển, hạn chế khả năng tiếp cận bờ biển của người dân.

Sự phát triển ồ ạt các công trình tại vệt ven biển khu vực phía đông nam thành phố đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt người dân tại khu vực, cũng như cảnh quan chung thành phố. Đây được xem như bài học đối với Đà Nẵng sau thời gian phát triển khá nóng.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có sự nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, nhằm mục đích tạo nhiều khu vực công cộng, cảnh quan ven biển, ven sông nhưng bảo đảm được hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Với quyết tâm mọi người dân thành phố đều được hưởng lợi từ chính những bờ biển, dòng sông nơi mình sinh sống, ai cũng đều có thể tiếp cận được bờ biển, bờ sông, quyết tâm của lãnh đạo thành phố được cụ thể hóa bằng Thông báo số 331-TB/TU ngày 31-1-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy “về một số công trình, dự án được dư luận quan tâm”, với tinh thần là xem xét điều chỉnh các dự án theo hướng dành quỹ đất cho cộng đồng và phục vụ phát triển bền vững đối với các dự án còn có thể xem xét, điều chỉnh được, theo hướng mở rộng không gian ven biển, mở thêm nhiều lối xuống biển, dành quỹ đất để đầu tư cho công viên, bãi tắm, khu vườn dạo ven biển.

Đối với những dự án đang triển khai nhưng còn bất cập về quy hoạch, lãnh đạo thành phố trực tiếp làm việc với chủ đầu tư để tìm cách tháo gỡ, điều chỉnh quy hoạch phù hợp trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và vì mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.

Một trong những chủ trương được nhấn mạnh là mở các lối xuống biển, triển khai các bãi tắm công cộng, công viên biển, tuyến đường đi dạo dọc bờ biển phía đông nhằm mục đích phục vụ cho người dân địa phương và du khách đến Đà Nẵng; để người dân, du khách ai cũng được hưởng lợi từ không gian công cộng ven biển.

Chủ trương của thành phố là mở 5 lối xuống biển, gồm: lối xuống biển giữa khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana; lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương; lối xuống biển phía Nam dự án Future Property Invest; lối xuống biển phía Bắc thuộc dự án khu du lịch biển The Song Đà Nẵng và lối xuống biển phía Nam dự án khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt.

Có thể thấy, đối với các lối xuống biển theo Thông báo số 331-TB/TU, khi triển khai đã có sự đồng thuận cao của người dân khu vực, đến nay đã hoàn thành 2/5 lối xuống biển tại khu vực Ngũ Hành Sơn. Các lối xuống biển còn lại, thành phố đã làm việc, trao đổi với nhà đầu tư để điều chỉnh một phần diện tích của dự án làm lối xuống biển phục vụ công cộng. Về cơ bản các nhà đầu tư đã thống nhất với chủ trương thành phố và đang điều chỉnh các thủ tục pháp lý để sớm triển khai.

Tăng cảnh quan, điểm nhấn đôi bờ sông Hàn

Rất ít địa phương có dòng sông đẹp như sông Hàn chảy giữa lòng đô thị Đà Nẵng, tạo nên sự độc đáo thu hút du khách. Đối với người dân Đà Nẵng, dòng sông Hàn mang nhiều dấu ấn lịch sử, gắn với nhiều giai đoạn phát triển đổi thay bứt phá của thành phố.

Giá trị của sông Hàn chắc chắn sẽ được khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn trong những năm đến nếu biết quy hoạch bài bản, cẩn trọng. Với vị trí, tầm quan trọng của dòng sông Hàn, thành phố đã chủ trương tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế thiết kế cảnh quan 2 bờ sông để có phương án tối ưu trên cơ sở tăng cảnh quan, công viên và các điểm nhấn 2 bên bờ sông Hàn.

Phương án tối ưu được lãnh đạo thành phố chỉ đạo tích hợp chung vào quy hoạch chung phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng đề nghị chủ đầu tư dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng Marina Complex và Olalani Riverside Tower tạm dừng việc thi công để phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch dự án phù hợp, theo hướng giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, không xây dựng công trình cao tầng phía bờ sông, tăng mật độ cây xanh, lối đi công cộng tại khu vực bờ sông phía tây đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà nhằm tạo nhiều khu vực công cộng, công viên vườn dạo ven sông, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận dòng sông.

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng Marina Complex và dự án Olalani Riverside Tower do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức vào ngày 7-5-2019, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đều bày tỏ sự quan ngại các dự án ven sông có ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hàn, cảnh quan đô thị và môi trường của thành phố; việc triển khai các dự án ven sông cần hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ và tôn trọng quy luật của tự nhiên; cần có rà soát, xem lại tính pháp lý và đánh giá tác động môi trường của các dự án này, không chỉ dừng lại ở một vài dự án mà rà soát lại các dự án ven sông Hàn, đặc biệt là các dự án ở phía bờ sông để cử tri, người dân xem xét, theo dõi và đóng góp ý kiến.

Đà Nẵng chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. 								             Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG
Đà Nẵng chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG

Có thể khẳng định, trong công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, thành phố đã cẩn thận giao cho các sở, ngành chức năng liên quan nghiên cứu kỹ, làm việc, đàm phán với chủ đầu tư các dự án để có sự thỏa thuận, thống nhất, vì lợi ích cộng đồng và hài hòa lợi ích doanh nghiệp.

Đồng thời, trong quá trình điều chỉnh, thành phố đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, phản biện, Mặt trận và các hội, hiệp hội nghề nghiệp của thành phố...nên nhận được sự đồng tình cao của người dân cũng như sự ủng hộ, thiện chí của các chủ đầu tư vì mục tiêu phát triển chung của thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 là trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Các thế hệ lãnh đạo thành phố đều dành sự quan tâm, phát triển thành phố theo hướng bền vững, gắn với việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái để không có sự trả giá khi xâm phạm vào tự nhiên.

Hiện nay, nhiều địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đã khuyến cáo cần có trách nhiệm gìn giữ môi trường tự nhiên, sinh thái và nguồn lực đất đai trong quá trình phát triển để không ảnh hưởng đến thế hệ sau, xem đây là của để dành cho thế hệ sau.

Vì vậy thiết nghĩ, chính quyền thành phố cần quyết liệt tập trung chỉ đạo, kiên định chủ trương giữ gìn, quy hoạch và tôn tạo cảnh quan ven sông, ven biển vì mục tiêu phát triển cộng đồng, vì lợi ích người dân như là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Trả lại bãi biển công cộng cho người dân

Ngày 22-3-2019, sau khi kiểm tra thực tế tại dự án dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô tại quận Liên Chiểu, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu chủ dự án phải tháo dỡ rào chắn, đồng thời điều chỉnh lại chỉ giới công trình, trả lại bãi biển công cộng cho người dân.

Việc quy hoạch điều chỉnh dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô sẽ đưa ghềnh Nam Ô ra ngoài ranh giới. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải mở rộng đường dân sinh và lối xuống biển để phục vụ cộng đồng. Đồng thời, chủ đầu tư phải tôn tạo và mở rộng khuôn viên các công trình cổ (đình làng, miếu, mộ tiền hiền), hỗ trợ quy hoạch làng nghề truyền thống Nước mắm Nam Ô.

Cầu thị, lắng nghe góp ý

Hiện nay, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tập trung hỗ trợ, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) triển khai điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030.

Trong quá trình triển khai, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, nghiên cứu ý kiến đa chiều từ đơn vị tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học, nhằm tạo sự đồng thuận và bảo đảm chất lượng sản phẩm cuối cùng, là cơ sở quan trọng để phục vụ quá trình xây dựng và phát triển thành phố thời gian đến.

Cần mở rộng không gian hai bên bờ sông

Tham dự hội thảo quy hoạch hai bên bờ sông tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 10-9 vừa qua, ông Miquel Angel Perez Martonrell, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cho biết: Từ 15 năm trước, ngành du lịch của Tây Ban Nha tăng trưởng nóng như Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, thành phố Barcelona (nơi ông Miquel Angel Perez Martonrell sinh sống) chứng kiến sự bùng nổ của các dịch vụ du lịch như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Hậu quả là du khách xả rác bừa bãi xuống các dòng sông, khách sạn đua nhau mọc lên, bờ sông bị chắn ngang bởi những công trình. Sau khi quy hoạch lại, thành phố Barcelona phải đập bỏ, di dời rất nhiều tòa nhà. Vì vậy, theo ông Miquel Angel Perez Martonrell, không gian ven sông là hệ thống giao thông quan trọng cần được mở rộng.

VIỆT DŨNG

;
;
.
.
.
.
.