Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai

.

Quận Sơn Trà có ba mặt tiếp giáp với sông, biển với hầu hết các khu dân cư, các cơ sở kinh tế chính đều ở ven sông, ven biển nên dễ chịu ảnh hưởng lớn của các hình thái thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, sóng lớn và nước biển dâng. Vì thế, quận Sơn Trà luôn chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nhất là đối với các tàu, thuyền hoạt động đánh bắt trên biển.

Các lực lượng chức năng chằng chống mái trường học để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Các lực lượng chức năng chằng chống mái trường học để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đang là một trong những ngành kinh tế quan trọng của quận Sơn Trà với hơn 1.200 tàu, thuyền hoạt động gần bờ, xa bờ. Tổng giá trị khai thác hải sản đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, có hơn 550 tàu cá đánh bắt ở các vùng biển xa như: quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phía đông quần đảo Hoàng Sa.

Các vùng biển này mỗi năm có hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, gió mùa tây nam hoạt động. Trước tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và các địa phương thành lập các tổ khai thác hải sản xa bờ để ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất và phòng chống thiên tai, lai dắt, cứu hộ cứu nạn khi tàu gặp tai nạn trên biển.

Các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Sơn Trà, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC), Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để kịp thời kiểm đếm tàu thuyền, thông báo tình hình thời tiết, hướng dẫn phòng tránh bão và áp thấp nhiệt đới, phối hợp tìm kiếm cứu nạn…

“Vì có số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển nhiều nên công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai luôn được quận Sơn Trà chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện thường xuyên và quanh năm”, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết.

Ngư dân Nguyễn Hiền (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90242 TS cho hay: “Mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, chúng tôi luôn duy trì thông tin liên lạc với Đồn Biên phòng Sơn Trà thông qua hệ thống ICOM để nắm bắt thông tin và nhận hướng dẫn tìm nơi trú ẩn hoặc tránh áp thấp nhiệt đới, bão để bảo đảm an toàn. Khi có tàu, thuyền gặp nạn trên biển, chúng tôi cũng được liên lạc, huy động di chuyển đi tìm kiếm cứu nạn hoặc tăng cường quan sát và trợ giúp tàu bị nạn cũng như cứu kéo các tàu bị nạn về bờ an toàn”.

Trung tá Văn Đức Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết, đơn vị đã tổ chức ký cam kết thông tin liên lạc biển với các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ, quy định mật danh báo tọa độ trên biển, tạo thuận lợi cho công tác thông tin diễn biến bão và áp thấp nhiệt đới, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn phòng tránh, kêu gọi tàu thuyền vào bờ…, nhất là trong công tác huy động tìm kiếm cứu nạn.

Điển hình như vụ tàu cá ĐNa 90929 TS của ngư dân Nguyễn Đình Bê (trú quận Sơn Trà) bị chìm vào sáng 26-9-2019 khi đang hoạt động ở gần đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa). Do biết rõ tọa độ của các tàu cá đang hoạt động trên nên việc huy động tàu cá đến cứu vớt 9 ngư dân kịp thời. “Giữa các tàu cá, chủ tàu có thể không biết tọa độ của nhau nhưng Đồn Biên phòng Sơn Trà nắm chắc tọa độ hoạt động của tàu cá để kịp thời hướng dẫn phòng tránh, trú bão và huy động tìm kiếm cứu nạn.

Khi chuẩn bị có gió bão, áp thấp nhiệt đới cập bờ, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng giúp ngư dân phường Mân Thái, Thọ Quang kéo tàu, thuyền lên bờ trú bão an toàn và giúp đỡ các trường học, nhà dân chằng chống mái nhà… Hiện nay, đơn vị đang tham mưu UBND quận Sơn Trà và thành phố tổ chức diễn tập ứng phó tình huống bão mạnh tại âu thuyền Thọ Quang và Trạm kiểm soát Biên phòng công trình 15”, Trung tá Văn Đức Trường nói.

Theo UBND quận Sơn Trà, để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngay từ cuối tháng 5-2019, quận đã hoàn thành xây dựng phương án phòng chống, khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai trên địa bàn quận năm 2019 và triển khai đến các đơn vị, địa phương để thực hiện, nhất là nắm chắc từng khu vực dân cư bị ảnh hưởng và số lượng, địa điểm sơ tán nhân dân đến nơi trú ẩn thiên tai an toàn. Phương án này được xây dựng tương ứng với 3 kịch bản thiên tai là bão mạnh từ cấp 8-11 hoạt động trên biển Đông và đổ bộ trực tiếp vào quận Sơn Trà; bão mạnh, bão đặc biệt mạnh và siêu bão hoạt động trên biển Đông và đổ bộ trực tiếp vào quận Sơn Trà; ứng phó sóng thần mạnh và sóng thần nguy hiểm.

Vào giữa tháng 8-2019, UBND quận Sơn Trà cũng đã phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn quận với kinh phí 390 triệu đồng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai đến năm 2020; chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; khắc phục khẩn trương, kịp thời và hiệu quả sau thiên tai.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.