Sự hy sinh thầm lặng

.

Trong đám cháy, khi người dân cố gắng chạy ra thì những người lính chữa cháy lại chạy vào; và trong hoạn nạn, khi mọi người tìm cách thoát thân thì lính cứu nạn lại xông tới bất chấp hiểm nguy để cứu người, cứu tài sản. Những con người trông rất đỗi bình thường ấy khi khoác lên mình bộ quân phục và được giao nhiệm vụ cũng là lúc họ trở nên mạnh mẽ.

Chiến sĩ cứu nạn cứu hộ trên sông lặn tìm thi thể.
Chiến sĩ cứu nạn cứu hộ trên sông lặn tìm thi thể.

18 giờ ngày 26-9, đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy-cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an quận Thanh Khê nhận được tin báo xảy ra vụ cháy tại kho chứa hàng gia dụng của Công ty TNHH MTV Ánh Gia Phú, bên trong có nhiều ô-tô, hóa chất dễ cháy.

Ngay lập tức, đơn vị điều động 6 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Tuy nhiên, công tác tiếp cận chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu tá Hoàng Quốc Hải, Đội trưởng Đội PCCC-CNCH Công an quận Thanh Khê kể lại: “Đám cháy xảy ra trong khi kho bị khóa, khói phủ kín toàn bộ không gian bên trong nên Đội Cảnh sát PCCC-CNCH Công an quậnThanh Khê đã điện báo Cảnh sát PCCC-CNCH Công an thành phố cho chi viện thêm lực lượng.

Các chiến sĩ phun nước làm mát bên ngoài kho và dùng búa rìu, câu liêm phá cửa để thoát khói ra ngoài; đồng thời triển khai đội hình 2 lăng B ở 2 xe, chia thành 2 mũi tấn công trước và sau kho phun nước trực tiếp vào đám cháy”. Bên cạnh đó, đơn vị cũng huy động người dân xung quanh và chủ kho di chuyển 2 xe máy và 2 ô-tô ra khỏi vùng nguy hiểm.

Lúc bấy giờ trong kho còn 3 ô-tô tải có thùng đựng ở sau đang bốc cháy, hàng hóa trên các xe chủ yếu là bếp gas và xoong nồi. Khi lực lượng chi viện đến, Đội phối hợp ngay, sử dụng cuốc, rìu phá các thùng phía sau 3 ô-tô tải và tiến hành di chuyển chất cháy trong các thùng xe, phun nước trực tiếp để dập tắt đám cháy. Đến 19 giờ 15 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Chiến sĩ Bùi Anh Khoa, Đội PCCC-CNCH Công an quận Thanh Khê chia sẻ thêm: “Tôi là chiến sĩ mới, đây cũng là vụ cháy đầu tiên tôi được tham gia chữa cháy. Khi nghe lệnh, tôi cùng đồng đội nhanh chóng lên đường. Dù công việc khó khăn, vất vả nhưng khi cứu được tài sản của nhân dân, tôi rất vui và hạnh phúc”.

Nếu như với công tác PCCC-CNCH trên cạn, chiến sĩ có thể có tầm nhìn bao quát hiện trường thì khi xuống nước, tình huống càng khó đoán định. Các chiến sĩ phải đối mặt với dòng nước lạnh giá, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy và đòi hỏi bản lĩnh thép. Đại úy Lê Văn Lưu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an thành phố cho biết, chiến sĩ làm công tác CNCH trên sông phải đối mặt với nhiều hiểm nguy vì nước chảy xiết, mực nước sâu với áp suất cao, có khả năng bị thương do sắt thép, cọc nhọn nên phải có kinh nghiệm xác định dòng chảy, phân tích tình huống và đưa ra phương án tìm kiếm khả thi.

Nếu sai, không những không tìm kiếm được nạn nhân mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính người đi cứu nạn. Đôi khi, việc ôm... xác chết trở thành chuyện thường xuyên bởi cứ có thông tin ai đó nhảy sông tự vẫn, các chiến sĩ phải lập tức cùng thiết bị lên đường tìm kiếm. Có khi hoàn thành xong nhiệm vụ, thay vì nghỉ ngơi, những chiến sĩ thầm lặng này lại không thể ăn uống vì ám ảnh.

Theo Đại úy Lê Tuấn Anh, Đội trưởng Đội PCCC-CNCH trên sông, nhiệm vụ khó khăn nhất mà anh cùng các đồng đội thực hiện là việc tìm thi thể cháu bé bị cha ruột giết rồi vứt xác xuống sông gây rúng động dư luận hồi tháng 2-2019. Sau hơn 1 tháng ròng rã tìm kiếm, lực lượng vẫn bất lực. Đáy sông như thách thức lực lượng cứu hộ, chỉ có thể dùng tay, chân cảm giác các vật thể dưới nước, nguy hiểm vô cùng...

Mỗi đêm khi người dân đang ngủ yên thì đâu đó vẫn có những chiến sĩ ngâm mình dưới dòng nước lạnh giá hay sát cánh bên nhau chống lại giặc lửa hung tàn. Bản lĩnh của các anh như càng được lửa nóng trui rèn để luôn vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách...

Bài và ảnh: MINH THÀNH

;
;
.
.
.
.
.