Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, từ năm 2008 đến nay, Liên đoàn Lao động các cấp của thành phố triển khai nhiều hoạt động mang lại quyền lợi cho người lao động.
Bài 1: Công đoàn chăm lo cho người lao động
Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động được Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng tổ chức thường xuyên. TRONG ẢNH: Cuộc thi tài năng Mabuchi Motor 2019 thu hút đông đoàn viên, người lao động tham gia. |
Việc vận động, tuyên truyền, thương lượng với người sử dụng lao động (NSDLĐ) thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ là một trong những thành công rõ nét nhất của Công đoàn các cấp.
Hơn 81% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tham gia ký TƯLĐTT với nhiều điều khoản cụ thể, thiết thực, có lợi hơn cho CNLĐ đã góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ tại Đà Nẵng.
Nhóm doanh nghiệp du lịch tiên phong
Đà Nẵng là địa phương có thế mạnh về du lịch với tốc độ phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, việc thí điểm ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp du lịch đầu tiên của cả nước từ đầu năm 2016 không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ mà còn tạo ra môi trường làm việc hài hòa, ổn định, đóng góp vào sự phát triển thành phố.
Ngày 14-1-2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ký kết thí điểm thỏa ước nhóm du lịch với sự tham gia của 4 doanh nghiệp là Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt, Công ty TNHH Du lịch-Thương mại Phú An Thịnh và Công ty CP khách sạn SaigonTourane, mang lại lợi ích tốt hơn cho khoảng 750 NLĐ.
Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Du lịch-Thương mại Phú An Thịnh Lê Thị Thanh Nhi, so với quy định trong TƯLĐTT doanh nghiệp, nhiều điều khoản trong thỏa ước nhóm như suất ăn ca, tiền thưởng, phúc lợi được tăng lên đáng kể. “Nếu như trước đây, trong TƯLĐTT doanh nghiệp, suất ăn ca là 20 nghìn đồng/người/bữa thì nay tăng lên gần 40 nghìn đồng/người/bữa” - chị Nhi nói. Cũng theo chị Nhi, từ khi tham gia thỏa ước nhóm du lịch, các hoạt động chăm lo cho NLĐ được cụ thể, chi tiết hơn; chất lượng cũng tăng dần lên. Nhờ đó, NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến.
Furama Resort thuộc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) là khách sạn 5 sao đầu tiên tại Đà Nẵng với số lượng NLĐ đông, tổ chức Công đoàn vững mạnh. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An Phan Đức, công ty hiện có 750 NLĐ, 99% NLĐ là đoàn viên Công đoàn (trừ một số lao động người nước ngoài).
Hầu hết chế độ, chính sách, quyền lợi cho NLĐ trong TƯLĐTT doanh nghiệp đều cao hơn trong thỏa ước nhóm du lịch nên công ty vẫn duy trì thực hiện theo TƯLĐTT doanh nghiệp.
“Khi ký mới TƯLĐTT doanh nghiệp, Công đoàn đã thương lượng nâng mức hỗ trợ tang chế từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng, bằng với thỏa ước nhóm du lịch”, anh Đức cho biết. Theo anh Đức, tùy theo tình hình kinh doanh hằng năm, ngoài thưởng Tết lương tháng 13, đơn vị còn thưởng Tết tháng 14, 15. Dịp Tết năm 2019, NLĐ được nhận thưởng 3 tháng lương. Điều này đã tạo động lực, phấn khởi cho NLĐ, nhất là những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Trên cơ sở những thành công bước đầu, ngày 22-12-2018, LĐLĐ thành phố và Hiệp hội Du lịch thành phố ký kết thỏa ước nhóm du lịch giai đoạn 2018-2020 với sự tham gia của 10 doanh nghiệp du lịch (tăng 6 doanh nghiệp so với giai đoạn trước). Thỏa ước lần này có 12 điều khoản có lợi hơn quy định pháp luật, mang lại quyền lợi cho hơn 2.400 lao động.
Nhiều ưu đãi có lợi cho người lao động
Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) là công ty có 100% vốn đầu tư Nhật Bản, với 2.561 CNLĐ đang làm việc. Đầu tháng 9-2019, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (gọi tắt là Công ty Daiwa) Takizawa Satoru và Chủ tịch Công đoàn Công ty Daiwa Trần Thị Hải Lê cùng đặt bút ký mới bản TƯLĐTT doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành trong 3 năm. So với bản TƯLĐTT cũ, bản thỏa ước này có nhiều điều khoản có lợi hơn cho CNLĐ.
Theo bà Trần Thị Hải Lê, từ năm 2019, thỏa ước TƯLĐTT có nhiều quy định có lợi hơn cho CNLĐ như tăng số lượng ngày nghỉ, tiền thưởng... Chị Hồ Thị Thúy (SN 1985, quê Quảng Trị) có thời gian làm việc hơn 8 năm tại Công ty Daiwa cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2019 vừa qua, chị là một trong 3 CNLĐ khó khăn được công ty hỗ trợ.
“Tôi sống và làm việc xa quê, lại có con nhỏ. Gia đình phải ở trọ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Sự hỗ trợ, chăm lo kịp thời của công ty và CĐ đã giúp tôi cũng như những NLĐ khác vượt qua giai đoạn khó khăn, có thêm động lực để làm việc, cống hiến”, chị Thúy tâm sự. Hiện nay, Công ty Daiwa là một trong những công ty có số ngày nghỉ được hưởng nguyên lương đứng đầu tại KCN Hòa Khánh.
Nhờ sự đồng hành, chăm lo, bảo vệ của tổ chức Công đoàn, công nhân lao động yên tâm làm việc, cống hiến. TRONG ẢNH: Hằng tháng, Công ty TNHH Du lịch-Thương mại Phú An Thịnh vinh danh người lao động xuất sắc. |
Tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Mabuchi), TƯLĐTT được ký mới theo từng năm. Điều này giúp nâng cao hơn các điều khoản có lợi cho CNLĐ. Anh Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, bản thỏa ước năm 2017 chưa có quy định về tiền thưởng chuyên cần.
Đến năm 2018, qua thương lượng với chủ doanh nghiệp, trong bản TƯLĐTT bổ sung quy định về tiền thưởng chuyên cần. Theo cán bộ Công đoàn chuyên trách tại Công ty Mabuchi Phạm Thị Tường Vi, từ năm 2015, công ty đưa vào sử dụng phòng vắt sữa dành cho CNLĐ nữ đang có con nhỏ.
Hằng ngày vào giờ nghỉ trưa, CNLĐ nữ tranh thủ vắt sữa và trữ tại tủ lạnh, đến giờ tan ca lấy đem về. Một công nhân nữ (xin giấu tên) sau khi sinh con, đi làm trở lại tại Công ty Mabuchi cho biết, đây là một việc làm mang đầy tính nhân văn của công ty chăm lo cho CNLĐ nữ đang nuôi con nhỏ.
“Với những công nhân nữ đang có con nhỏ, cơ thể sẽ tiết sữa theo đồng hồ sinh học của cơ thể. Nếu không cho trẻ bú sẽ dẫn đến tình trạng “căng sữa”, gây nhiều bất tiện cho CNLĐ nữ trong quá trình làm việc. Phòng vắt sữa đã giúp giải quyết hiệu quả vấn đề này”, nữ công nhân này nói.
Trong khi đó, tại Công ty CP Điện tử và Tin học Đà Nẵng, ngoài những quy định của Bộ luật Lao động và các quy định của Nhà nước, Công đoàn công ty còn thương lượng nhiều điều khoản có lợi hơn cho CNLĐ. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Đặng Phải, ngoài các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, công ty còn mua bảo hiểm thân thể 24/24 giờ cho số lao động làm công việc có tính rủi ro cao như nhân viên vận chuyển, sửa chữa, bảo hành...
Tính đến 31-5-2019, toàn thành phố có 1.783 Công đoàn cơ sở với 127.083 đoàn viên/140.473 CNLĐ đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Việc ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp dần đi vào thiết thực, chất lượng. Các bản thỏa ước dần đề cập nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ như chế độ tiền lương, khen thưởng, tiền hỗ trợ cơm ca, lương tháng 13, thưởng chuyên cần, các phúc lợi như du lịch, nghỉ dưỡng...
Với sự nỗ lực không ngừng, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Công đoàn các cấp của thành phố đã thương lượng, ký mới 40 bản TƯLĐTT, nâng tổng số doanh nghiệp đã ký TƯLĐTT lên 893/1.102 doanh nghiệp (đạt 81%). Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hoàng Hữu Nghị, đây là một trong những thành công của Công đoàn các cấp thành phố trong việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia ký kết TƯLĐTT. “So với mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trên địa bàn thành phố đã ký TƯLĐTT chiếm khá cao.
Đây là chìa khóa tạo thêm sự ổn định trong sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp và đời sống của NLĐ cũng tăng lên. Hiện nay, các cấp Công đoàn thành phố đang tiếp tục nỗ lực vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia ký TƯLĐTT”, ông Hoàng Hữu Nghị nói.
Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG