Xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng văn hóa cơ sở; hình thành quy tắc ứng xử có văn hóa, văn minh; hình thành môi trường sống an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, ở một số phường đạt chuẩn văn minh đô thị, vẫn xuất hiện tình trạng chiếm dụng vỉa hè, ô nhiễm tiếng ồn hoặc xả rác bừa bãi…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các địa phương chú trọng nhằm hình thành quy tắc ứng xử có văn hóa, văn minh. TRONG ẢNH: Thanh niên chung tay làm sạch bãi biển. Ảnh: THANH TÌNH |
Thông tin trên Cổng góp ý thuộc Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố cho biết, từ năm 2018 đến nay, đơn vị này đã nhận gần 50 góp ý của người dân liên quan tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn… diễn ra trên địa bàn phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu).
Đơn cử, từ thông tin người dân phản ánh, ngày 22-8, UBND phường Hải Châu 1 đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với cửa hàng hoa Quỳnh Mai (địa chỉ 143-145 Trần Phú).
Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh về việc cửa hàng hoa Quỳnh Mai thường xuyên tập kết hoa và các vật dụng lấn chiếm vỉa hè, không nhường lối cho người đi bộ, địa phương đã cử cán bộ kiểm tra thực tế và xử phạt hành chính 750.000 đồng đối với cơ sở vi phạm.
Theo ông Anh, việc nhanh chóng nắm bắt và xử lý thông tin người dân phản ánh là một trong những nỗ lực của chính quyền địa phương trong quá trình tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke trong khu dân cư (KDC) hiện vẫn tiếp diễn, nhất là tại một số KDC ở vùng ven thành phố. Ông Nguyễn Minh Hùng (trú khu chung cư vịnh Mân Quang, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, một số hộ ở khu vực này thường tổ chức ăn nhậu tại nhà, hát karaoke không có hệ thống cách âm, âm thanh vang xa hàng chục mét.
Chẳng hạn, chiều 24-9, tại khu vực vịnh Mân Quang, tình trạng gây ồn do mở nhạc, hát karaoke trong KDC diễn ra trong vài tiếng đồng hồ nhưng không thấy cơ quan chức năng nào đến xử lý, nhắc nhở. “Khu vực này đang bị ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng; trong đó, âm thanh từ xe cộ và cả từ các dàn karaoke di động phát ra rất khó chịu. Chúng tôi mong chính quyền địa phương quan tâm xử lý”, ông Hùng bày tỏ.
Nỗ lực của chính quyền địa phương
Quận Hải Châu có 100% phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Tuy nhiên, địa phương này đang đứng trước những thách thức về xử lý rác thải và tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Những con đường thường xuyên diễn ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè như Nguyễn Hoàng, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Trưng Nữ Vương, Thái Phiên, Yên Bái, Hải Phòng, Quang Trung… vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Số lượng rác thải sinh hoạt (khoảng 250 tấn/ngày) chưa được thu gom hiệu quả; nhiều nơi, rác sinh hoạt vẫn để dồn đống, sau 2-3 ngày mới được thu gom khiến người dân bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đạt chuẩn văn minh đô thị, nhiều năm qua, phường Hải Châu 1 đã xây dựng các phương án hành động rõ ràng, cụ thể, tập trung vào các mục tiêu an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị…
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu 1 cho biết, mỗi năm, địa phương đều triển khai kế hoạch xây dựng “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; trong đó tập trung phát triển kinh tế, thoát nghèo, tăng cường giám sát để không xảy ra những vi phạm về đặt biển quảng cáo sai quy định, không có tình trạng xà bần, giá hạ tồn lưu trên lòng đường và vỉa hè quá 2 ngày, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp đổ xà bần trái quy định…
Buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cạnh chợ Đống Đa (phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Ngoài xây dựng các “Tổ dân phố không rác”, UBND phường Hải Châu 1 còn tích cực tuyên truyền người dân tổ chức “Cưới văn minh, tiết kiệm” và vận động cán bộ, công nhân viên cơ quan cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn phường chọn hình thức hỏa táng, điện táng khi có người thân qua đời, hạn chế tối đa việc rải vàng mã khi đưa tang để tiết kiệm thời gian và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ngoài nỗ lực của chính cơ quan chức năng trong việc xây dựng môi trường sống đạt chuẩn văn minh đô thị, việc xây dựng con người văn hóa rất quan trọng. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố cho rằng, trong chương trình “Thành phố 5 không”, “3 có”, cái “có” đòi hỏi người Đà Nẵng nhiều thời gian và công sức để gầy dựng nhất là “có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
Bởi lẽ, văn hóa đòi hỏi phải bắt đầu từ những việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt, như biết nói “cảm ơn” khi nhận sự giúp đỡ của người khác, hoặc biết nói “xin lỗi” khi nghĩ mình đang làm phiền ai đó. Và đương nhiên phải hết sức tránh để không phải làm phiền người xung quanh như: không vượt đèn đỏ, hoặc chạy lấn làn khi tham gia giao thông trên đường phố; giữ vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi ở nơi công cộng; giữ yên lặng, không vô ý cười đùa trong các lễ tang…
Những ứng xử này không hề nhỏ nhặt, bởi hoàn toàn không dễ thực hiện. Đấy là những ứng xử đòi hỏi phải được lặp đi lặp lại trong đời sống thường nhật để có thể trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày. Đấy cũng là sản phẩm của một nền giáo dục có văn hóa - giáo dục trong gia đình và giáo dục trong trường học.
HUỲNH LÊ