Dự án PPP: Cần quy định kiểm toán, không nên áp số tiền 200 tỷ đồng

.

Chia sẻ tại phiên thảo luận dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư diễn ra ngày 11-11, các đại biểu Quốc hội cho rằng không nên quy định quy mô dự án tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng.

Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) diễn ra ngày 11-11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng “với bản chất của các dự án PPP thì phải kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến cuối. Tài sản công phải quản thật chặt, tránh tình trạng sai phạm ở nhiều dự án BOT và BT vừa qua.”

Cần quy định thanh tra, kiểm toán các dự án PPP

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho biết dự án PPP về bản chất là hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, quy định dự thảo về hợp đồng hiện vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến việc quản lý thiếu chặt chẽ. Trong đó có quy định về chia sẻ rủi ro.

Theo dự thảo luật, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết hợp đồng.

Về việc này, ông Phớc cho rằng cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ bởi quy định về thanh tra, kiểm toán như dự thảo là không đủ cơ sở để thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro. Và, chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ không được kiểm ntra dự án PPP.

Trong khi đó, điều 80 quy định: Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại điều 65 và điều 67 của luật này. Tức là chỉ được kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

“Theo quy định, các dự án nhà nước bỏ vốn thì có gì mà kiểm toán?Nhưng công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì phải được kiểm toán mới đúng. Ví dụ dự án BOT giao thông nhà nước có bỏ đồng nào đâu mà vẫn kiểm toán và chỉ ra rất nhiều sai phạm,” ông Phớc phân tích.

Ngoài ra, quy định tại điều 67 là chỉ kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thế còn những dự án “to đùng” được Nhà nước hoàn trả về đất đai thì không ai kiểm toán à? Ông Phớc đặt câu hỏi và đề nghị nên quy định thanh tra, kiểm toán các dự án PPP theo Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán.

Ngoài ra, ông Phớc cũng băn khoăn tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền mà trả bằng đất. “Vì thực tế có thể đấu giá đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư sòng phẳng,” ông nói.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu thực tế thời gian qua có những công trình PPP không có tiền mà chỉ dựa vào nguồn lực đất đai. Theo ông, vấn đề này có hai quan điểm.

Thứ nhất là dùng tiền ngân sách để trả cho nhà đầu tư (thống nhất thời gian trả tại hợp đồng, sau đó tiến hành đấu giá đất sạch và lấy tiền trả). Thứ hai là nếu trả bằng đất thì lúc này chưa giải phóng mặt bằng, chưa đấu giá nên giá đất thấp. Sau có hiện tượng đội chi phí nên có nhiều quan ngại việc đổi đất lấy hạ tầng.

Cho rằng cần phải xem xét rất kỹ câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng, Bộ trưởng Hà góp ý, dự thảo luật nên bổ sung một chương quy định về vấn đề này.

Vị tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đồng tình với ý kiến của vị Tổng kiểm toán Nhà nước là “nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai minh bạch được.”

Do vậy, theo ông Hà, Nhà nước cần phải làm quy hoạch, tổ chức chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp. “Còn nhà nước không đầu tư cái gì ở giai đoạn chuẩn bị mà đòi biết hết cả mọi thứ thì rất khó,” ông Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ tại buổi thảo luận tổ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ tại buổi thảo luận tổ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Không nên quy định mức vốn tối thiểu 200 tỷ đồng

Về quy mô đầu tư dự án PPP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn ý kiến của Chính phủ cho rằng muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn.

Theo đó, dự thảo luật quy định quy mô dự án tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính; định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An), liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, lâu nay đang dùng chữ “vay mượn” nguồn vốn. Tuy nhiên, thông thường việc đầu tư lớn, dài hạn, dễ bị rủi ro, thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.

Vị đại biểu này khẳng định, trong mấy kỳ Quốc hội vừa qua, nghị trường “nóng” những vấn đề liên quan đến Luật kiểm toán khi kết quả kiểm toán các dự án BOT được công bố. Do vậy, ông Hiền kiến nghị các dự án có tính chất công xuyên suốt thì kiểm toán phải tham gia. Thậm chí cần tham vấn ý kiến của người dân.

Về quy mô đầu tư dự án, ông Hiền cho rằng không nên quy định mức tối tiểu nguồn vốn 200 tỷ đồng, bởi nhiều dự án không cần quá nhiều vốn. “Ví dụ nhà máy xử lý rác thải, chợ, không cần tới con số như vậy,” ông nói.

Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho rằng đối với quy định không thấp hơn 200 tỷ đồng cần cân nhắc và có thể ủy quyền để Chính phủ quy định chi tiết hơn. Bởi vì số tiền 200 tỷ đồng mới triển khai PPP còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực.

“Với một số lĩnh vực số tiền này thấp, nhưng có lĩnh vực lại là quá lớn. Do đó, nên ủy quyền cho chính phủ quy định chi tiết tổng mức đầu tư để chúng ta có thể thu hút được vốn từ khu vực tư vào trong lĩnh vực dịch vụ công,” ông Ngân chia sẻ.

Cùng tổ thảo luận, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, việc quy định này nên giao cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn tại thời điểm sẽ phù hợp hơn bởi nó liên quan tới tỷ giá, lạm phát...

Khẳng định ngành giao thông là lĩnh vực được đẩy mạnh đầu tư theo các hình thức PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận hầu hết dự án triển khai trước đây mới chỉ thu hút nhà đầu tư nội địa, chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Thể, Việt Nam là nước đang phát triển, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Cứ năm 5 quy hoạch hệ thống giao thông lại được rà soát, điều chỉnh một lần. Trong khi vòng đời của một dự án PPP mất từ 10-15 năm để chủ đầu tư thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận.

"Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài rất lo quy hoạch thay đổi sẽ có những con đường thứ 2 hoặc đường cắt ngang chia lưu lượng với đường họ đầu tư, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao, thậm chí lỗ," ông Thể chia sẻ.

Riêng lo ngại về trượt giá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện dự thảo luật chưa đề cập đến. Do vậy, ông đề xuất nghiên cứu đưa vào nội dung này.

“Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mục đích chính là kiếm lợi nhuận, trong đó đảm bảo thu hồi vốn và tiền lãi. Chúng ta không có tiền nên để kêu gọi họ vào thì phải có chính sách bảo đảm doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ để họ đầu tư,” ông Thể nhấn mạnh./.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.