Với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, ứng xử thân thiện với môi trường, những năm qua, Hội LHPN thành phố đã triển khai nhiều mô hình “sống xanh”, bảo vệ môi trường đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Từ đó, góp phần thực hiện tốt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.
Mô hình “rau xanh sân thượng” của Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây giúp tạo ra nguồn rau sạch để bán gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo. |
Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Thu Hà, một trong những mô hình bảo vệ môi trường được Hội LHPN thành phố triển khai hiệu quả, thu hút được cán bộ, hội viên tham gia đông đảo là “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”. Đây là mô hình xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống, gắn liền với đời sống sinh hoạt của từng gia đình hội viên.
Theo đó, phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại rác thải. Rác thải có thể tái sử dụng, tái chế được phân loại, bán gây quỹ để thực hiện công tác an sinh xã hội. Hiện nay, 100% cơ sở hội đã triển khai, có 946/1.243 chi hội phụ nữ tham gia thực hiện. Hằng năm, từ mô hình này đã gây quỹ hơn 900 triệu đồng để giúp nhiều học sinh, phụ nữ nghèo.
Tại Chi hội Phụ nữ Bình An 1B (phường Thanh Bình, quận Hải Châu), việc phân loại rác thải đã trở thành thói quen trong mỗi gia đình. Cứ đến thứ bảy hằng tuần, xe thu gom của tổ công tác môi trường khu dân cư (KDC) đẩy xe đến từng nhà thu gom rác đã qua phân loại. Nhờ vận động tốt, tại mỗi hộ dân đều phân loại các loại rác ra thành 3 loại gồm: giấy, kim loại, chai nhựa.
Từ nguồn rác thu được, Chi hội Phụ nữ bán, gây quỹ để thực hiện các hoạt động trong KDC. Theo bà Nguyễn Thị Hảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Bình An 1B, trong 5 tháng trở lại đây, KDC đã thu gom rác, bán gây quỹ được hơn 5 triệu đồng. Nguồn quỹ này dành để trao học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn.
Bên cạnh phân loại rác thải, các chi hội phụ nữ còn thực hiện mô hình “sống xanh” với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, dễ thực hiện như tiết kiệm điện, nước; trồng cây xanh, hoa trong khu dân cư; tận dụng rác vô cơ để ủ thành các chế phẩm sinh học, nước rửa bát, nước lau nhà...
Tùy tình hình, điều kiện từng KDC, các chi hội đã có những phương thức thực hiện khác nhau như tận dụng đất trống trồng rau sạch, vận động hội viên sử dụng giỏ nhựa đi chợ thay túi ni-lon, trồng chuối để lấy lá gói thực phẩm thay túi ni-lon. Đến nay, toàn thành phố có 964 nhóm, Câu lạc bộ “sống xanh” được thành lập tại cộng đồng.
Điển hình, tại phường Hòa Thuận Tây, các hoạt động “sống xanh” được các chi hội triển khai thực hiện hiệu quả. Tại các KDC, phong trào “Sống xanh - Trồng hoa và cây xanh vì thành phố Đà Nẵng bền vững về môi trường” được các chi hội triển khai thực hiện từ nhiều năm nay.
Trong năm 2019, các chi hội trồng 1.530 cây xanh, chậu rau sạch và duy trì 58 khuôn viên xanh; tổ chức 2 đợt ra quân chăm sóc, tu bổ các bồn hoa công cộng. Toàn phường duy trì hoạt động của 48 nhóm “sống xanh” với 530 thành viên.
Theo bà Lê Thúy Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 9 (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), để thực hiện “sống xanh”, các nhóm đăng ký các hoạt động như: trồng, chăm sóc hoa, cây xanh; dọn vệ sinh, xóa xé quảng cáo trái phép; phân loại rác thải tại nguồn.
Tại Hội LHPN huyện Hòa Vang, mô hình “Mỗi hố rác một cây xanh” đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Lê Huyền Trâm, từ việc các hộ gia đình đào hố tại vườn để chứa rác, Hội LHPN huyện đã vận động phụ nữ tận dụng nguồn rác thải hữu cơ hằng ngày để ủ làm phân bón cho cây xanh và trồng một cây xanh ngay chính hố rác đó.
Đây là mô hình sáng tạo nhằm hạn chế rác thải ra môi trường nhưng lại cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng, mang lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình, được cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng.
Từ hiệu quả của mô hình này, Hội LHPN thành phố đã phát triển thành mô hình “Vườn trái cây tập trung”, đồng thời hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn kiến thức kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng cho hội viên phụ nữ, hỗ trợ gần 4.300 cây giống ăn quả các loại như ổi, mít, xoài... cho 91 hộ tại các xã của huyện Hòa Vang.
Đến nay, toàn huyện có 195 vườn cây với 10.820 cây ăn trái các loại. Qua đó, giúp cho các hộ phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
“Các mô hình “sống xanh”, bên cạnh ý nghĩa về bảo vệ môi trường còn đem hiệu quả về mặt kinh tế. Nguồn quỹ từ việc thu gom, phân loại rác thải, các cấp hội đã hỗ trợ phương tiện sinh kế, thẻ bảo hiểm y tế, học bổng, xe đạp, sửa chữa nhà cho hàng ngàn trường hợp phụ nữ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; mua tặng thùng rác, giỏ nhựa, bình đựng nước thủy tinh cho hội viên phụ nữ”, bà Thu Hà nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HUY HOÀNG