Ngày 10-6-2019, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Quyết định số 13140-QĐ/TU về Đề án Cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Đề án), để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố. Việc xây dựng và triển khai Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ thành phố trong giai đoạn hiện nay nhằm triển khai một cách đồng bộ, nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo và xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trên địa bàn thành phố. Kể từ hôm nay (23-12), Báo Đà Nẵng đăng tải những nội dung quan trọng của Đề án.
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về Cải cách các thủ tục hành chính đã nêu: Cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng là nội dung quan trọng, đây là quá trình liên tục đặt trong tổng thể cải cách hành chính của cả hệ thống chính trị nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội cũng như đối với công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đã nhấn mạnh “Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thanh tra, phòng, chống tham nhũng”; “cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng nền công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn”. Thực tế cho thấy, công tác cải cách hành chính nói chung trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo lập môi trường hành chính theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng thành phố được triển khai đạt một số kết quả, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa được các cơ quan Đảng thực sự quan tâm đúng mức và chưa được triển khai đồng bộ so với khối chính quyền.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc, các Đảng ủy trực thuộc chưa triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ các thủ tục hành chính, nhất là các quy định, quy trình liên quan đến lĩnh vực tham mưu. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng vẫn còn bất cập, có lúc chưa nghiêm.
Một số cán bộ còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Tình hình trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Từ thực tế trên và để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 82-KL/TW về Cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 31-1-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thành ủy Đà Nẵng ban hành Đề án “Cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025” (sau đây viết tắt là Đề án) để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Căn cứ pháp lý: Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về Cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 17-KL/TW ngày 11-9-2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy; Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-9-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 07-QĐi/TU ngày 20-12-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy Đà Nẵng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015-2020; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015-2020.
2. Cơ sở thực tiễn: Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 về Cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng, cho đến nay, mặc dù Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về cải cách hành chính trong Đảng, tuy nhiên, một số đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã chủ động nghiên cứu, ban hành đề án triển khai thực hiện như Quận ủy Thanh Khê và Huyện ủy Hòa Vang. Các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức Đảng được điều chỉnh hợp lý hơn.
Công tác cán bộ đạt một số kết quả tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên. Qua đó, đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu các cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về cải cách hành chính trong Đảng được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng có mặt còn hạn chế, việc đề xuất cơ chế, chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa đủ sức thuyết phục, chưa giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng còn chồng chéo, biên chế tiếp tục tăng...
Từ thực tế trên và xuất phát từ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về cơ cấu lại tổ chức và đội ngũ cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đảng; đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; chính vì vậy cần thiết phải xây dựng một cách đồng bộ Đề án cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng thành phố Đà Nẵng, áp dụng thống nhất trong toàn Đảng bộ thành phố.
(Còn nữa)
* Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt