Đến năm 2030, phấn đấu xuất khẩu ngành dệt may đạt 100 tỷ USD

.

Chiều 13-12, phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 6 vấn đề với ngành dệt may. Đó là ngành dệt may đã gặt hái nhiều thành công, nhất là xuất khẩu nhưng cần chú trọng hơn, đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước, nhất là tầng lớp trung lưu đang gia tăng, sẽ chiếm 50% dân số đến năm 2030. Đây chính là hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sản phẩm dệt may “made in Việt Nam” không chỉ có mặt ở ngoài nước mà cần ở cả trong nước. Thứ hai, ngành dệt may vẫn chưa thoát khỏi được tình trạng thiếu tự chủ, tự cường về nguyên liệu, chủ yếu chỉ sản xuất sợi và gia công sản phẩm.

Hiện nay, 60% nguyên liệu xơ sợi phải nhập khẩu. Việt Nam chưa làm chủ và phát triển được các công đoạn sản xuất như nhuộm, chế tạo các loại vải chất lượng cao, vật liệu, phụ kiện cao cấp. Đó là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng chưa cao. Thứ ba, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc với kim ngạch chiếm tỉ lệ đến 78% tổng kim ngạch của toàn ngành, 28/36 tỷ USD xuất khẩu năm 2018, trong khi đó sợi chỉ chiếm hơn 8% và vải gần 3%, phụ kiện may dưới 10%. Cơ cấu sản phẩm phải tính lại một cách cụ thể hơn để có sự phân công sản xuất tốt hơn.

Thứ tư, cơ cấu lao động ngành còn hạn chế. Đến cuối năm 2018, trong gần 3 triệu lao động đang làm việc ở 7.000 doanh nghiệp dệt may trong cả nước thì có khoảng 25% lao động có đào tạo chuyên môn, còn lại 75% lao động chưa qua đào tạo, chủ yếu là có bằng tốt nghiệp THCS, THPT hoặc có 17% là học tiểu học. Thứ năm, kinh tế nước ta ngày càng phát triển, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đó là điều đáng mừng nhưng dưới góc độ khác thì lợi thế cạnh tranh nhân công giá rẻ, vốn là lợi thế cạnh tranh lâu nay của nhiều ngành trong ngành dệt may, đang mất dần. Thứ sáu, công tác phát triển Đảng ở các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bộc lộ những bất cập. Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 70% số doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam, có một số nguy cơ trắng các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp này. Nhiệm vụ của Hiệp hội chính là làm sao khắc phục được tình trạng này.

Định hướng một số nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tạo ra thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mang tầm thế giới, khu vực, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước, cho thế hệ mai sau. Đến năm 2030, phải phấn đấu xuất khẩu 100 tỷ USD; có ít nhất 30 thương hiệu của ngành dệt may đóng góp vào thị trường thế giới.

Hiệp hội Dệt may cần tiếp tục làm tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao, các chuỗi giá trị toàn cầu, tổ chức phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước. Cần chủ động xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phổ biến chính sách, luật pháp, những kinh nghiệm thành công và không thành công. Hiệp hội cũng phải là đầu mối giúp các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là nghiên cứu công nghệ mới, nhất là lĩnh vực sản xuất vải, phụ liệu, nâng cao năng suất, hiệu quả, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.

Chính phủ luôn lắng nghe, ủng hộ, hỗ trợ và cũng mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần xây dựng hệ thống chính sách của Nhà nước kiến tạo phục vụ và phát triển.

Theo Chinhphu.vn

;
;
.
.
.
.
.