Dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn: Tháo gỡ khó khăn, giải tỏa mặt bằng

.

Dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn, thuộc phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2016. Theo kế hoạch, việc đền bù giải tỏa các hộ dân thuộc khu vực trong lòng tuyến cống và vị trí xây dựng 2 block chung cư hoàn thành trong quý 4-2019, phần còn lại thực hiện giải tỏa trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ 15/134 hồ sơ thực hiện nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng và nhận đất tái định cư theo quy định.

Kênh Khe Cạn gây ô nhiễm suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng sức khỏe đến người dân các khu dân cư gần đó.
Kênh Khe Cạn gây ô nhiễm suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng sức khỏe đến người dân các khu dân cư gần đó.

Theo báo cáo của UBND quận Thanh Khê, dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch ngày 14-9-2016 với tổng diện tích 64.834m2. Dự án có khoảng 380 hồ sơ, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 thực hiện năm 2019 gồm 134 hồ sơ (trong lòng tuyến cống 101 hồ sơ và khu vực xây dựng 2 block chung cư 33 hồ sơ); nguồn gốc đất ở có 19 hồ sơ; nguồn gốc đất nông nghiệp có 115 hồ sơ. Đối với dự án này, phần lớn người dân tại khu vực dự án là hộ nghèo, thu nhập thấp. Tính đến nay, địa phương đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết 134/134 hồ sơ gửi đến các hộ dân thuộc khu vực dự án và đã vận động được 15/134 hồ sơ thực hiện nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng và nhận đất tái định cư theo quy định.

Ngày 29-8-2019, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố ban hành Thông báo số 177/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên tại buổi họp xử lý vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa một số dự án trên địa bàn quận Thanh Khê. Theo đó, quận Thanh Khê khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 137 hồ sơ của dự án để có mặt bằng cho đơn vị thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31-10-2019. Tuy vậy, tiến độ giải tỏa, di dời hiện rất chậm so với chỉ đạo của UBND thành phố.

Qua tìm hiểu thực tế, phần lớn các hộ dân tại khu vực dự án có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp, theo quy định hiện hành và theo phương án được duyệt, các hộ thu hồi đất hiện đang sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp sẽ không được đền bù về đất; đối với nhà, vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp, đất hoang, đất do UBND phường quản lý, hộ gia đình khai hoang và đã sử dụng ổn định, thường xuyên vào mục đích đất ở, có bị xử lý vi phạm hành chính thì không được xem xét hỗ trợ; đối với hỗ trợ nhà, vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp, đất hoang, đất do UBND phường quản lý, hộ gia đình khai hoang và đã sử dụng ổn định, thường xuyên vào mục đích đất ở, không bị xử lý vi phạm hành chính thì được xem xét hỗ trợ.

Để dự án triển khai đúng tiến độ, ngày 11-10-2019, UBND thành phố có Công văn số 6936/UBND-ĐTĐT giao UBND quận Thanh Khê căn cứ chủ trương giải quyết hỗ trợ 50% giá trị nhà ở, vật kiến trúc, công trình và tài sản khác (không phân biệt điều kiện sở hữu, sử dụng) đối với các hộ xây dựng nhà trên đất nông nghiệp từ ngày 1-7-2004 đến ngày 1-7-2014 thuộc diện giải tỏa dự án khu vực cống Khe Cạn, chủ động trong việc lập các thủ tục liên quan về hỗ trợ và phê duyệt cho các hộ dân theo quy định. UBND thành phố cũng thống nhất nâng mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với các hộ giải tỏa tại dự án từ 1,8 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng/hộ đối với hộ chờ bố trí chung cư.

Đối với các trường hợp giải tỏa đi hẳn, không có nơi ở nào khác, có ở thực sự nhưng không có hộ khẩu thường trú tại nơi giải tỏa, UBND thành phố giao UBND quận Thanh Khê kiểm tra, rà soát về nhân thân trước khi chuyển đến khu vực dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn; báo cáo, đề xuất từng trường hợp cụ thể để UBND thành phố xem xét, quyết định.

Mới đây, cuộc họp ngày 20-11-2019, do Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh chủ trì với đại diện các ban, ngành liên quan đã nhấn mạnh tính cấp thiết cần triển khai dự án Tuyến cống Khe Cạn để giải quyết công tác quy hoạch đô thị, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Sau khi lắng nghe đại diện các tổ vận động, ý kiến đại diện khu dân cư phường Thanh Khê Tây, ông Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, chính quyền chia sẻ, tạo mọi điều kiện có lợi nhất cho người dân, không để người dân thiệt thòi; tuy nhiên, không vì thế mà coi nhẹ các quy định của pháp luật, làm sai bản chất sự việc. “Đất nông nghiệp không thể tự nhiên chuyển thành đất ở (trừ trường hợp thực hiện theo quy định đã chuyển đổi mục đích sử dụng), nhà xây trên đất nông nghiệp là trái phép.

Không có quy định nào làm thay đổi được sự thật hiển nhiên đó”, ông Tĩnh nói. Theo ông Tĩnh, các phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ dân giải tỏa trong dự án, quận đã linh động vận dụng hết mức, bằng mọi cách theo quy định hiện hành để có lợi cho người dân. Hiện công tác vận động hộ giải tỏa trong dự án gặp nhiều khó khăn do người dân không hợp tác, chưa bàn giao mặt bằng. Đa số người dân yêu cầu nâng mức giá trị đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư. Lãnh đạo quận Thanh Khê cho biết, trường hợp người dân không thực hiện theo quy định trong giải phóng mặt bằng sẽ buộc ban hành quyết định cưỡng chế để triển khai dự án kịp thời.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.