Từ năm 2015 đến 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Nhơn luôn giữ vững đơn vị dẫn đầu công tác giảm nghèo của huyện Hòa Vang. Bí quyết, theo Hội LHPN xã là phải đến từng hộ... gõ cửa để tìm cách xóa nghèo.
Lãnh đạo UBND xã đến từng hộ phụ nữ nghèo khảo sát để giúp thoát nghèo. |
Cuộc sống gia đình đang ổn định thì chồng chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Thạch Nham Đông bị bệnh. Gần 3 năm nằm liệt giường, tài sản trong gia đình có giá trị lần lượt “đội nón ra đi”. Buồn là vừa rồi chồng chị cũng mất. Gia đình chị Hiền rơi vào cảnh nghèo khó, thậm chí có thời điểm không có gì ăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Hiền, Hội LHPN đứng ra giúp chị làm thủ tục vay 100 triệu đồng sửa lại ngôi nhà xập xệ, ngoài ra còn được hỗ trợ 50 triệu đồng để chị mở tiệm tạp hóa. Nhờ thu nhập ổn định, cả hai đứa con chị Hiền được ăn học đầy đủ. Trò chuyện với chúng tôi, chị xúc động tâm sự: “Có lúc túng quẫn tôi đã định buông bỏ hết, nhưng thật may Hội LHPN xã đã tìm đến và giúp tôi gần như tất cả. Đặc biệt, các chị không chỉ giúp vay vốn mà còn tư vấn dùng vốn vay sao cho hiệu quả, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời đó, bây giờ không biết mẹ con tôi ra sao”, chị Hiền xúc động nói.
Hoàn cảnh khó khăn của chị Lê Thị Cân, ở thôn Phước Thuận Phước Hậu, bản thân là một người khuyết tật vận động, phải một mình nuôi đứa con chỉ thích lang thang ngoài đường ăn chơi cũng được Hội LHPN xã xắn tay tìm cách tháo gỡ. Đầu tiên, thông qua giới thiệu của Hội LHPN xã, chị có được chân dọn vệ sinh ở một công ty kinh doanh gạch men gần nhà với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội LHPN xã cũng đã hỗ trợ chị 20 triệu đồng để mua gà giống về nuôi tại gia đình. Từ khoản thu này, khó khăn cũng dần qua. Mới đây, chị Cân còn dành dụm tiền sửa lại ngôi nhà cấp 4. Tuy nhiên, với chị Cân, vui nhất là đứa con trai đã theo lời khuyên của cán bộ hội đi học lái xe và hiện nay đang làm phụ lái xe tải đường dài, với mức lương khá ổn định. Chị chia sẻ: “Nhiều đêm ngủ giật mình cứ tưởng những gì mình có là mơ. Thật không biết cảm ơn các chị bên Hội LHPN xã thế nào cho hết”.
Chia sẻ về công tác giảm nghèo cho các hội viên Phụ nữ xã, bà Ngô Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Nhơn nói “bí quyết” chính là ở chỗ sâu sát. Những năm trước đây, cứ đầu năm, Hội mời hội viên thuộc hộ nghèo lên cùng với lãnh đạo UBND xã đối thoại để tìm cách thoát nghèo. Về hình thức thì có vẻ cách làm tốt, nhưng thực ra là chưa thể sâu sát với từng hội viên. Vì vậy, sau đó, Hội LHPN đã thay đổi bằng cách đầu năm mời lãnh đạo UBND xã cùng đến từng nhà gõ cửa hội viên nghèo, cùng khảo sát, cùng tìm cách giải quyết khó khăn về kinh tế.
Cách làm này đã đem lại hiệu quả gần như ngay lập tức, bởi vì chỉ có đến tận hộ dân mới thấy cái gì cần, cái gì người dân còn thiếu, từ đó tìm cách giúp đỡ. Liên tục 5 năm qua, nhờ cách làm này của Hội LHPN xã, 100% hội viên Hội Phụ nữ trong diện nghèo khi được hỗ trợ làm ăn không những thoát nghèo mà còn thoát nghèo một cách bền vững. Ví như năm 2019, Hội LHPN xã được giao nhiệm vụ giúp 25 hộ phụ nữ nghèo, thì đến cuối tháng 10 năm nay, qua kiểm tra, tất cả đều thoát được nghèo. Đặc biệt, để giúp chị em luôn khỏe mạnh, tránh ốm đau, hằng năm Hội tổ chức cho 100% hội viên thuộc diện hộ nghèo được tầm soát bệnh tật; nhờ vậy, chị em phát hiện được bệnh sớm, điều trị cũng dễ dàng hơn...
Một kết quả đáng ghi nhận nữa là thời gian qua, Hội LHPN xã Hòa Nhơn đã tổ chức tốt và duy trì hiệu quả các mô hình về giúp nhau làm kinh tế. Thông qua các phong trào như: Phụ nữ nghèo giúp nhau làm kinh tế, Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau làm kinh tế, mô hình “1 việc làm, 3 mục đích”..., rất nhiều chị em có kiến thức hỗ trợ nhau trong làm ăn phát triển kinh tế. Theo chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Phước Hưng Nam, nhờ những cách làm này mà nhiều chị em đã thay đổi nếp nghĩ và cách làm về kinh tế.
Trước đây, bản thân tôi từng được hỗ trợ để chăn nuôi gia cầm, gia súc, song, gần như không thành công. Tuy nhiên, từ khi Hội LHPN xã tham gia thì mọi việc khác hẳn. Cũng là nuôi gà, nuôi heo tại gia đình, nhưng hằng tháng, hằng quý, cán bộ Hội LHPN xã đều đến kiểm tra cụ thể, nếu vật nuôi không phát triển tốt sẽ bị thu hồi vốn. Cách làm rất sát này nên không riêng gì tôi mà tất cả chị em khi được hỗ trợ vốn làm ăn, đều ý thức làm sao sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ một cách hiệu quả nhất”.
5 năm qua, toàn xã Hòa Nhơn có gần 150 hộ phụ nữ nghèo đã thoát nghèo, thoát nghèo bền vững, bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch của xã giao. Đây là cách làm rất cần nhân rộng, bởi chỉ có sự sâu sát, cụ thể thì sự hỗ trợ mới phát huy hết hiệu quả mong muốn.
Bài và ảnh: THANH VÂN