Thực hiện đề án quản lý thức ăn đường phố của UBND thành phố, thời gian qua quận Thanh Khê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ kinh doanh vỉa hè, thức ăn đường phố. Mô hình điểm về loại hình kinh doanh này tại quận đang có những biến chuyển tích cực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính người trong cuộc.
Mô hình điểm thức ăn đường phố trên đường Hải Phòng (phường Tân Chính) có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. |
Tuyến đường Hải Phòng (phường Tân Chính) từ lâu được xây dựng làm mô hình điểm về thức ăn đường phố. Hiện có 40 hộ dân đăng ký kinh doanh thức ăn với các sản phẩm phổ biến như bún, phở, cháo vịt, mì Quảng… Theo bà Huỳnh Thị Thu An, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chính, đây là những hộ dân kinh doanh vỉa hè trên đường Lê Duẩn, sau đó buộc phải di dời để đáp ứng nhu cầu chỉnh trang, xây dựng phố chuyên doanh.
Địa phương đã khảo sát và xây dựng tuyến đường Hải Phòng thành mô hình điểm về thức ăn đường phố, vừa hiệu quả về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), vừa bảo đảm an sinh xã hội. Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Hoàn (trú tổ 12, phường Tân Chính, chủ kinh doanh bún chả cá tại đường Hải Phòng) cho biết: “Ban đầu ai cũng bỡ ngỡ với các quy định mới về găng tay, bảo hộ, trang phục, cách bảo quản, chế biến thực phẩm nhưng sau đó được tập huấn, hướng dẫn thành quen. Hơn nữa, những thói quen này thay đổi cũng góp phần giúp quán sạch sẽ hơn, khách hàng tìm đến ủng hộ nhiều hơn”.
Tham gia mô hình thức ăn đường phố tại phường Tân Chính, người kinh doanh được hỗ trợ miễn phí tập huấn kiến thức ATTP, hướng dẫn thực hiện chuỗi sản xuất thức ăn, kỹ năng bán hàng, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh khi chế biến, cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Để hỗ trợ các hộ kinh doanh, địa phương tổ chức vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ kinh phí để trang bị tạp dề, bàn ghế, bạt che, đồng phục bán hàng cho các hộ kinh doanh. Hằng quý, phường Tân Chính sẽ tổ chức họp một lần để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và đặc biệt là nhắc nhở, quán triệt những quy định về công tác bảo đảm ATTP đối với các hộ tham gia mô hình này.
Theo Phòng Y tế quận Thanh Khê, từ đầu năm 2019, UBND quận đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-PYT về quản lý thức ăn đường phố trên địa bàn. Theo đó, các phòng chuyên môn phối hợp với các phường đã tổ chức 3 lớp tuyên truyền về ATTP cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống với 410 người tham dự; phát hơn 1.800 tờ gấp tuyên truyền về ATTP cho UBND 10 phường và các hội đoàn thể, các phòng ban của quận để phục vụ công tác tuyên truyền, thực hiện treo 82 băng-rôn, khẩu hiệu và 205 tranh áp-phích tại các chợ, UBND 10 phường, các tuyến phố kinh doanh thực phẩm vỉa hè. Đặc biệt là công tác tập huấn, phổ biến những nội dung Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND ngày 2-11-2016 của UBND thành phố cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố trên địa bàn quận.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, việc quản lý thức ăn đường phố thông qua những mô hình điểm đã mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt. Điều quan trọng là người kinh doanh thực phẩm đường phố đã nhận thức đúng về vai trò của bản thân trong việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy trình bảo quản, chế biến hợp vệ sinh, thực hành văn hóa bán hàng tốt. Những thay đổi này góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, cải thiện đời sống cho chính những người trong cuộc.
Bài và ảnh: ĐẠI BÌNH