KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 - 3-2-2020)

Đổi mới của Đảng trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc giai đoạn 1930-1945 - Bài 2: Sáng tạo trong xác định phương pháp cách mạng

.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm lịch sử của dân tộc không chỉ trong việc xác định đường lối phát triển đất nước mà còn trong xác định phương pháp cách mạng giành chính quyền và giải quyết đúng đắn phương thức giành chính quyền.

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau cuộc tuyển cử đầu tiên trong cả nước ngày 6-1-1946. Ảnh: Tư liệu
Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau cuộc tuyển cử đầu tiên trong cả nước ngày 6-1-1946. Ảnh: Tư liệu

Nhận thức sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp cách mạng của quần chúng, vì vậy phải tổ chức lực lượng quần chúng tiến hành các hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị. Vì vậy, Đảng ta đã chủ động chuẩn bị lực lượng từ thấp đến cao qua 3 cao trào cách mạng 1930- 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, cao trào vận động dân chủ 1936- 1939 và cao trào vận động giải phóng dân tộc 1939- 1945.

Từ thực tiễn, Đảng đã sáng tạo ra những hình thức đấu tranh mới phong phú, đa dạng để tập hợp lực lượng quần chúng, nhờ đó khi thời cơ đến, nhanh chóng phát động khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định. Thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả trực tiếp của đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là kết quả của quá trình chuẩn bị lực lượng từ thấp đến cao, là quá trình giành thắng lợi từng bước tiến lên tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước.

Quá trình chuẩn bị lực lượng cũng là quá trình Đảng ta sáng tạo ra hình thức Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội khác phù hợp với từng thời kỳ. Lúc đầu là Hội phản đế Đồng minh (1930), sau đó là Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) và đến giai đoạn 1939-1945 là Mặt trận Phản đế Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) và các đoàn thể cứu quốc. Cùng với quá trình xây dựng lực lượng, Đảng ta sáng tạo ra nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ và kiên quyết hành động. Điều đó góp phần làm phong phú thêm quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về phương pháp cách mạng giành chính quyền ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên xác định sự lãnh đạo của Đảng có vai trò quyết định đối với thành bại của phong trào cách mạng: “Điều cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải đấu tranh mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong tranh đấu của giai cấp vô sản, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc mà đại biểu cho quyền lợi chính trị và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản giai cấp là chủ nghĩa cộng sản”.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Thực tiễn phong trào cách mạng thời kỳ này cho phép Đảng ta rút ra kết luận: muốn lãnh đạo và chỉ đạo tốt phong trào cách mạng của quần chúng phải tăng cường công tác xây dựng Đảng. Đó là nhiệm vụ trung tâm và vô cùng cấp bách lúc bấy giờ, nhằm đáp ứng sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình phát triển của phong trào cách mạng. Qua thực tiễn chỉ đạo phong trào cách mạng, Đảng ta đã trưởng thành một bước về nhiều mặt cả chính trị, tư tưởng lẫn tổ chức. Đảng ta thật xứng đáng với vai trò là người phát động, người chỉ đạo lãnh đạo phong trào, xứng đáng là người tổ chức, là bộ tham mưu chiến đấu của cách mạng Việt Nam.

Cùng với quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định và không ngừng đấu tranh để bảo vệ tính chất giai cấp công nhân của Đảng. Những nhận thức không đúng về tính chất giai cấp công nhân của Đảng, về sự lãnh đạo của giai cấp công nhân bị phê phán một cách nghiêm túc, kịp thời, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Kịp thời đấu tranh với những nhận thức không đúng về tính chất giai cấp công nhân của Đảng, Đảng ta bảo vệ được tính chất giai cấp công nhân của mình, làm cho cán bộ Đảng viên nhận thức đúng đắn tính chất giai cấp công nhân của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng của giai cấp công nhân đối với cách mạng.

Qua thực tiễn chỉ đạo cách mạng từ 1930-1945, Đảng ta đã thể hiện nắm vững Chủ nghĩa Mác-Lênin, không những vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà còn vận dụng một cách sáng tạo, khoa học trong những thời kỳ khác nhau: thời kỳ cách mạng đi lên hoặc ngay trong cả những lúc cách mạng gặp khó khăn, không những trong việc đề ra đường lối chính sách mà còn cả trong chỉ đạo thực tiễn cuộc đấu tranh diễn ra từng giờ, từng ngày. Trên cơ sở nắm vững tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, Đảng ta đã kịp thời cụ thể hóa đường lối cách mạng của mình, đề ra nhiệm vụ thích hợp cho từng thời kỳ.

Do đặc điểm nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến, 90% là nông dân, ngoài tư tưởng nô dịch phản động của thực dân, phong kiến, thì một không khí tiểu tư sản bao trùm lên toàn xã hội trong quần chúng nhân dân. Hơn nữa, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp công nhân thuộc địa, ra đời trong một nước không có truyền thống lý luận xã hội chủ nghĩa, những tư tưởng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể truyền từ ngoài vào, cho nên Đảng ta muốn giữ vững tính chất giai cấp công nhân của mình, phải coi trọng việc xây dựng Đảng về tư tưởng, làm cho tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin ăn sâu vào cán bộ, đảng viên, thấm sâu vào quần chúng lao động, làm cho quần chúng nhân dân giác ngộ sự nghiệp cách mạng và cùng với Đảng làm nên sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

Thông qua phong trào đấu tranh của quần chúng, qua nhiệm vụ lãnh đạo quần chúng đấu tranh, Đảng ta làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đường lối chính sách của Đảng, về Chủ nghĩa Mác-Lênin, kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, góp phần nâng cao nhận thức, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng và năng lực lãnh đạo của cán bộ, đảng viên đáp ứng nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi của phong trào cách mạng.  

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được Đảng ta coi trọng cả 2 mặt giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin và giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu và nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, từ đó quán triệt quan điểm, lập trường của Đảng, để có chương trình hành động đúng. Công tác tư tưởng của Đảng giúp đảng viên phân biệt rõ ranh giới giữa tư tưởng vô sản và tư tưởng phi vô sản, phân biệt giữa Đảng của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, giữa Đảng của giai cấp công nhân và các đảng phái của giai cấp khác. Những thành tựu trên mặt trận tư tưởng giai đoạn này đã góp phần thống nhất tổ chức, thống nhất hành động trong Đảng, trên cơ sở đó, đường lối, chính sách của Đảng, Chủ nghĩa Mác-Lênin, không ngừng được củng cố và trở nên ưu thế tuyệt đối trong đời sống tư tưởng trong Đảng và ảnh hưởng đến đời sống tư tưởng của xã hội.

PGS.TS Trương Minh Dục

;
;
.
.
.
.
.