KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 - 3-2-2020)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng

.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Cả cuộc đời của Người luôn theo đuổi, chăm lo công tác xây dựng Đảng để Đảng ta luôn “là đạo đức, là văn minh”, để mang lại sự phồn vinh cho đất nước, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

Trải qua 90 năm sinh thành và phát triển, Đảng ta đã mang lại nhiều thành tựu to lớn cho đất nước có ý nghĩa lịch sử. Đó là minh chứng sống động nhất cho tư tưởng, đạo đức, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng. Người tổng kết sâu sắc triết lý “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”, là cơ sở để hiện thực hóa phương hướng, mục tiêu chính trị của Đảng.

Không phải ngẫu nhiên trong Di chúc, Hồ Chí Minh trăn trở trước hết nói về Đảng. Bởi Người tiên lượng cảnh báo nguy cơ của Đảng Cộng sản cầm quyền là một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) dễ thao túng quyền lực, vi phạm pháp luật, quan liêu xa dân. “Có quyền mà thiếu lương tâm, là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Do đó, xây dựng chỉnh đốn Đảng là quy luật phát triển của Đảng, là điều kiện, biện pháp để giáo dục, rèn luyện, quản lý CB, ĐV.

Để Đảng ta luôn trong sạch vững mạnh, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh, phần lớn Người dùng thuật ngữ nguyên tắc dân chủ tập trung.

Do Đảng phải đối mặt với những khó khăn thách thức nên Người luôn nhấn mạnh các tổ chức Đảng phải phát huy dân chủ để cấp ủy viên, đảng viên thảo luận, hiến kế, có những ý tưởng sáng tạo giúp tổ chức Đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo chính trị.

Bởi “khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ thật thà tự phê bình và phê bình, thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”.

Sinh thời Người cho rằng tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau. Thiếu vắng cá nhân phụ trách sẽ dễ dẫn tới quan liêu, “cha chung không ai khóc”, hiệu quả thực hiện chủ trương, nghị quyết kém hiệu quả.

Do đó “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên duy trì chế độ sinh hoạt Đảng, thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình thể hiện sinh khí, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng”.

Do đó, khi “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”.

 Đoàn kết thống nhất là truyền thống quý báu của Đảng ta, là điều kiện tạo nên sức mạnh cả về ý chí và hành động; chia rẽ, bè phái là nguyên nhân làm cho tổ chức Đảng suy yếu, mất sức chiến đấu. Bằng sự tiên lượng khoa học, mất đoàn kết có thể xảy ra ở các cấp nên Hồ Chí Minh yêu cầu “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Gắn bó mật thiết với nhân dân là nguyên tắc sống còn của Đảng ta. Bởi trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân - nhân dân là chủ thể quyền lực, “biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ , mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Vì vậy, mỗi CB, ĐV việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Đảng viên là nhân tố cấu thành tổ chức Đảng; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Tư cách của cá nhân đảng viên hợp thành tư cách của toàn Đảng.

Do đó, Người luôn nhắc nhở mỗi CB, ĐV phải luôn là những “công bộc” của nhân dân; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; gương mẫu, nêu gương “làm mực thước cho người ta bắt chước”.

“Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Các tổ chức Đảng cần tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bởi đây là “thứ giặc” trong lòng dễ dàng đưa người ta đi xuống dốc.

Người đã tiên lượng cảnh báo “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Nỗi canh cánh khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ưu tiên nhấn mạnh trước hết nói về Đảng - một nhiệm vụ hệ trọng mang tầm chiến lược sống còn của Đảng đến việc xác định mục đích, lộ trình, phương châm, biện pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Người.

Lời dạy của Người đã hơn 51 năm “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” đang sống mãi với dân tộc, với Đảng ta.

Hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng và mỗi CB, ĐV phải luôn coi trọng, thực hành xây dựng chỉnh đốn Đảng để Đảng ta luôn là đạo đức, là văn minh, nâng cao năng lực cầm quyền trong bối cảnh mới, xứng đáng với sự tin cậy, ủy thác của cả dân tộc Việt Nam.  

PGS, TS Nguyễn Thế Tư

;
;
.
.
.
.
.