Biến "nguy" thành "cơ"

.

Quan sát diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, có thể thấy rõ một thực tế rằng, sức ảnh hưởng của thông tin từ mạng xã hội là vô cùng lớn.

Bên cạnh những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, dòng chảy thông tin phi chính thống với những “bình loạn”/“fake news” (tin giả)... thực hư lẫn lộn, đã gây tác hại khôn lường trên diện rộng đến tâm lý và dư luận. Vì vậy, làm chủ hoạt động truyền thông, truyền thông chủ động và tích cực đang trở thành vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Trong lúc Trung Quốc đang đối phó với Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, số người nhiễm bệnh và chết không ngừng tăng lên mỗi ngày, người dân Việt Nam không khỏi lo lắng vì vị trí địa lý của đất nước chúng ta sát Trung Quốc; hơn nữa, Trung Quốc là một trong 3 thị trường lớn nhất về khách du lịch đến Việt Nam.

Song, có thể khẳng định chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình, tất cả các trường hợp nghi nhiễm đều được cách ly, xử lý khá rốt ráo. Đặc biệt, hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương trên tuyến đầu chống dịch chưa để xảy ra trường hợp tử vong vì Covid-19.

Đây thực sự là “chiến tích” cần được biểu dương và truyền thông rộng rãi, đúng hướng, từ đó vực dậy mạnh mẽ lòng tin trong nhân dân, du khách trong và ngoài nước..., từng bước khôi phục khí thế kinh doanh làm ăn sôi nổi trên mọi miền đất nước.

Hay nói khác đi, mỗi cá nhân, gia đình và tổ chức đã đến lúc cần phải lấy lại tâm thế chủ động và tích cực, không sợ hãi nhưng cũng không lơ là, bằng mọi cách biến “nguy” thành “cơ”, từng bước khôi phục tình hình trở lại hoạt động bình thường.

Mỗi lần dịch bệnh phát sinh là thêm một lần con người phải tự “trưởng thành” nhiều hơn. Con người vẫn là chủ thể chính trong Covid-19 lần này, phải gánh chịu hậu quả và tìm giải pháp hữu hiệu để khống chế dịch. Một loạt vấn đề đặt ra buộc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại, trước hết là trong tư duy, lối sống, cách hành xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người.

Con người thời dịch bệnh dường như biết yêu thương nhau hơn, nhưng cũng có những hành vi kinh doanh trục lợi đáng bị lên án. Rồi những mô hình kinh tế chỉ biết đề cao sự tận hưởng dựa trên mục tiêu tăng trưởng liên tục về GDP đã đến lúc cần phải được cảnh báo mạnh mẽ và chủ động thay thế bằng các mô hình xanh, thân thiện, bền vững.

Hệ thống phòng, chống dịch phải được khởi động đúng của khoa học về dịch tễ học. Bệnh tật nói riêng, dịch bệnh nói chung từ xưa đến nay vẫn thường xuất hiện trong chu trình “sinh - lão - bệnh - tử” của con người nhưng đừng bao giờ để nó có cơ hội biến thành “định mệnh tất yếu” do lỗi lầm chủ quan của chúng ta tự gây ra. 

TÂM DÂN

;
;
.
.
.
.
.