Nhớ người bác sĩ năm xưa

Tháng 8 năm 1971, đơn vị tôi, X24 - Ban Tài mậu Khu 5 đóng quân tại xã Trà Nham, huyện Trà Bồng (nay thuộc huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi), máy bay Mỹ đến bắn phá vào cơ quan, tôi bị thương nằm dưới hố sâu rừng rậm từ sáng đến chiều, được anh Trà Quang Thắng - chiến sĩ Trung đội 3 C1 tìm cõng về lúc chạng vạng tối.

Điều trị tại trung đội vài hôm, vết thương tuy nhỏ nhưng máu ra liên tục, chị Võ Thị Ánh Nô, Trạm xá trưởng đơn vị yêu cầu y tá trung đội Đinh Thị Thanh đưa tôi về trạm xá điều trị được 1 tuần, vết thương vẫn không tiến triển. Mỗi lần thay băng, rửa vết thương, máu bắn ra thành tia dài, da xanh xao, người yếu dần. Hôm đó y sĩ Võ Hồng Khanh đang tu nghiệp tại Bệnh viện 2 Khu 5 (nay là Bệnh viện C Đà Nẵng) về đơn vị phát hiện vết thương của tôi bị đứt động mạch và cho chuyển ngay đi bệnh viện.

Đơn vị cử người cùng với chị Nguyễn Thị Mão, y sĩ đưa tôi đến Bệnh xá huyện Trà Bồng lúc 4 giờ chiều để chuẩn bị phẫu thuật. Bệnh xá huyện Trà Bồng ngày ấy đóng tại xã Trà Phong trong các căn nhà hầm lợp lá mây, có tre nứa che kín tránh máy bay địch. Trực tiếp phẫu thuật cho tôi là bác sĩ Tỷ, người cao, da hơi đen, ít nói. Dụng cụ phẫu thuật chỉ có mấy cái banh, kéo đựng trong hộp nhôm xác máy bay Mỹ gò lại theo kiểu trắp y tá mà tôi thường thấy ở chiến trường. Cuộc phẫu thuật phải nhanh chóng tiến hành trước khi trời tối.

Nằm trên giường mổ, 30 phút đầu trôi qua, tôi nghe rõ từng đường dao cắt rạch và trời vẫn còn sáng, nghe tiếng của bác sĩ Tỷ với chị Mão - phụ mổ. Do thắt động mạch bị đứt, khi tháo dây buộc ca-rô ở đùi nên phải mổ tiếp lần 2.

Vẫn nhớ cảm giác thót tim khi đang mổ lần 2 thì có 2 chiếc trực thăng (loại tàu gáo) từ huyện Trà Bồng bay tới tìm khói nấu ăn của các cơ quan doanh trại để bắn phá, bác sĩ Tỷ phải cho dừng mổ đưa tôi xuống hầm trú ẩn và khi trở lên thì trời đã tối. Làm thế nào để tiếp tục ca mổ? Mạng sống tôi như ngàn cân treo sợi tóc! Lúc này tôi vẫn còn tỉnh táo, thấy bên cạnh giường mổ là 2 chậu bông băng máu. Họ phải dừng lại đi tìm những viên pin cũ đã sử dụng (bệnh xá miền núi ngày đó làm gì có hàng đặc biệt như pin đèn dự trữ) dùng cây nứa kẹp đấu 4-5 viên lại tạo ánh sáng để tiếp tục mổ. Đây là việc làm quá sức tưởng tượng của kíp mổ 3 người trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn để cứu người bệnh.

Mổ lần thứ 3, lúc này tôi rơi vào trạng thái mơ màng nhưng vẫn còn nghe được vài tiếng của bác sĩ Tỷ hô: “Phá phía sau…” và sự im lặng chấm dứt khi tôi nghe tiếng “được, được” của người bác sĩ tận tụy. Sau khi mổ bắp chân phía sau, cắt bỏ một đoạn động mạch sát đầu gối và dưới mắt cá, bác sĩ Tỷ mới thắt, tháo dây buộc ca-rô máu lưu thông không bị bục nữa. Và đó cũng là giây phút cuối cùng trước khi tôi bất tỉnh. Qua một đêm lịm đi trên giường mổ trong căn nhà hầm, tôi mở mắt nhìn ánh sáng trời thu mát dịu, thấy bác sĩ Tỷ đứng bên cạnh áp tay lên trán tôi nói “tỉnh rồi”, một cảm xúc quá đỗi tuyệt vời rót vào lòng người vừa qua cõi chết.

Điều trị tại bệnh xá huyện được 2 tuần, anh em đưa tôi về lại trạm xá đơn vị, vết thương đã lành nhưng vết mổ bắp chân phía sau còn một chút bằng cái vảy con ốc không lành hẳn mà rướm máu. Hôm đi nhổ sắn ngoài rẫy, thấy có vật gì đen đen lòi ra, tôi bẻ cây gai bụi khoèo lôi ra một đoạn chỉ dài vài centimet, biết đó là đoạn chỉ thắt đầu động mạch bằng chỉ nilon nên không tiêu được. Thế là ít ngày sau vết mổ lành hẳn.    

50 năm đã đi qua nhưng hình ảnh người bác sĩ năm xưa vẫn in đậm trong tâm trí. Tôi tìm đến quê hương xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi; được biết bác sĩ Tỷ hy sinh năm 1973 và chị phụ mổ ngày ấy chính là vợ của bác sĩ Tỷ cũng đã qua đời sau này. Gặp người con trai duy nhất của bác sĩ Tỷ - anh Đinh Văn Triệu, lòng tôi trào dâng nỗi niềm như gặp lại người thân bao năm xa cách. Thắp nén hương trước vong linh người, tôi ngậm ngùi tưởng nhớ tấm lòng vô bờ bến của vị bác sĩ đáng kính. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, người bác sĩ năm ấy đã nêu cao“Y đức cứu người”.

THÁI HUY TƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.