Tròn trăm tuổi, Thầy đi xa!

.

Thầy Hồ An sinh ngày 12 tháng Chạp, năm Canh Thân, nhằm ngày 28-1-1921. Xuân Canh Tý - 2020, theo ‘‘tuổi ta’’, Thầy tròn tuổi một trăm.

Quê nội thầy Hồ An ở làng Phú Mỹ, trước thuộc huyện Duy Xuyên, nay là xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Ông Hồ Ngận, cha của Thầy từng làm Kinh Lịch (như Chánh văn phòng) tỉnh Phú Yên. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ An đang là sinh viên Trường Cao đẳng thương mại Sài Gòn, về nghỉ hè, thì Nhật đảo chính Pháp, bùng nổ Cách mạng Tháng Tám, nên bỏ học tham gia phong trào Việt Minh ở Phú Yên và gặp Trương Chí Cương đang làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh Phú Yên.

Từ đó, hai người đồng hương biết và hiểu nhau, biết rõ ông Hồ Ngận làm Tỉnh trưởng Quảng Nam thời Thủ tướng Trần Trọng Kim thân Nhật. Đặc biệt những người con của ông Hồ Ngận đều tham gia kháng chiến là: Hồ An, Hồ Quý, Hồ Vinh, Hồ Ba (Hồ Hoàng Thanh), Hồ Thị Vân.

Trương Chí Cương (Tư Thuận) giao cho Hồ An làm Trưởng ban Tuyên truyền xung phong, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Thái, Trưởng ty Thông tin tuyên truyền. Sau một thời gian ngắn thì Hồ An được giao nhiệm vụ Phó ty rồi Trưởng ty Tuyên truyền. Chuẩn bị được kết nạp Đảng thì Hồ An bị đau ruột thừa phải đưa ra Huế cắt bỏ. Từ đó, Hồ An xa Tư Thuận.

Pháp chiếm Huế, Hồ An tham gia kháng chiến chống Pháp, làm Báo Kháng chiến Liên khu 4.

Hưởng ứng lời kêu gọi của kháng chiến, Hồ An tình nguyện vào chiến trường “Bình-Trị-Thiên khói lửa”, được tham gia công tác ở Ban Văn hóa-Văn nghệ cùng với Lưu Trọng Lư và Phan Nhân.

Sau đó, ông Phạm Văn Đồng - lúc bấy giờ làm đại diện của Chính phủ tại Khu 5, điện ra Bình-Trị-Thiên hỏi Bí thư Ngọc có ai Tú tài xin một người vào dạy trường Lê Khiết. Chàng sinh viên Hồ An nghe lời Bí thư Ngọc về Khu 5, không dạy học thì đi theo con đường văn nghệ mà Hồ An đang muốn theo.

Về Khu 5, ông Phạm Văn Đồng gợi ý Hồ An về làm văn phòng cho ông. Hồ An ưng lắm, nhưng sợ. Vả lại, cũng muốn làm báo, làm văn nghệ hơn, nên làm thinh. Sau đó, qua ông Trần Đình Tri, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến liên tỉnh, đưa Hồ An về làm Thư ký Tòa soạn cho Báo Đoàn kết kháng chiến - tờ báo của Mặt trận Liên Việt Nam Trung Bộ, tham gia viết cho Văn nghệ Khu 5 do Phan Thao làm Chi hội trưởng.

Hồ An có bút danh Hồ Hiếu Dân. Khi hai Mặt trận Liên Việt và Việt Minh sáp nhập, ra Báo Cứu quốc, Phan Thao sang công tác khác, phân công Hồ An làm chủ nhiệm Báo Cứu quốc. Có thêm hai phụ tá giúp Hồ An là hai người em ruột Hồ Vinh và Hồ Vân (Hồ Thị Vân sau là vợ nhà văn Nguyễn Văn Bổng).

Các nhà văn, nhà báo nổi tiếng trong Liên khu bấy giờ như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, Tế Hanh, Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên, Lê Bá Thuyên đều có bài viết cho Báo Cứu quốc.  Thi hành Hiệp định Genève 1954, hầu hết những người làm báo và văn nghệ Khu 5 đều tập kết ra miền Bắc, Hồ An cùng em trai Hồ Vinh được Đảng phân công ở lại làm công tác bí mật.

Hồ An về Đà Nẵng dạy học và hoạt động trong tổ chức Giáo chức và Sinh viên - Học sinh cách mạng. Hồ Vinh bị phản, bị Ngô Đình Cẩn bắt rồi thủ tiêu. Hồ An, đang dạy ở Trường Nguyễn Công Trứ (Đà Nẵng), một hôm, đến giờ chuẩn bị cho học sinh về thì tay sai của Ngô Đình Cẩn móc nối với giám thị trường, giữ Hồ An lại trong lớp để học sinh về hết thì đưa ra xe, chở đi Huế đưa vào nhà giam của Tòa Khâm - Huế.

Lê Khắc Duyệt, Giám đốc Công an Trung phần và Dương Văn Hiếu, Trưởng ty Công an Thừa Thiên thuyết phục Hồ An “chuyển hướng”. Hồ An không chịu “chuyển hướng”, chúng đưa Hồ An giam cùng phòng với nhóm chống chuyển hướng. Được anh em trao đổi, tác động, Hồ An đứng vững.

Ông Hồ Ngận, với tư cách là một đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm thả con ông ra, vì không có chứng cứ gì là chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Và Ngô Đình Diệm đã điện ra cho Ngô Đình Cẩn là em trai, rằng: “Cậu đã giết một đứa con của ông Hồ Ngận rồi, nay cậu định giết thêm một đứa con của ông ấy nữa sao?”.

Năm 1961, Ngô Đình Cẩn cho di lý Hồ An về thả ở Đà Nẵng. Về lại Đà Nẵng, thầy lại tiếp tục dạy tiếng Anh cho các trường trung học ở Đà Nẵng lúc bấy giờ như các trường Phan Thanh Giản, Tây Hồ, Nguyễn Công Trứ, Bán Công...

Nhằm tập trung thêm sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, Thường vụ Khu ủy 5, trực tiếp là Bí thư Khu ủy Năm Công và Phó Bí thư  Khu ủy Tư Thuận quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ, nhằm tập hợp  lực lượng, nhất là nhân sĩ, trí thức, các thành phần tôn giáo, các thành phần dân tộc vào Mặt trận chống Mỹ.

Nhà giáo Hồ An là một trong những nhân sĩ, trí thức ở thành phố Đà Nẵng được chọn vào danh sách được mời và tìm cách đưa lên chiến khu. Nhà giáo Hồ An là bạn nhà giáo Hồ Huyển, Trưởng ban Trí vận của Đà Nẵng. Ban Trí vận Đà Nẵng phần lớn là các nhà giáo dạy trong kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954, về dạy ở Đà Nẵng, Hội An, là cơ sở cách mạng như các thầy Trương Văn Thông, Nguyễn Phúc, Vĩnh Linh, Lê Văn Lương, Hồ An, Hồ Quý, Phạm Phú Hưu, Phan Văn Hạp, Văn Hiên, Hứa Văn Ân…

Sau những ngày đấu tranh sôi sục trong tháng 9-1964, khi nhân dân Đà Nẵng vùng lên đòi quyền tự do, dân chủ, tạo nên sự kiện “9 ngày làm chủ”, có ý kiến của ông Tư Thuận, ông Hồ Nghinh đã viết thư mời Hồ An lên chiến khu. Thầy Hồ An nhận lời.

Nhà giáo Hồ An lên chiến khu thì được gặp lại cố nhân Tư Thuận. Thường trực Khu ủy cơ cấu nhà giáo Hồ An tham gia vào Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ.

Một tuần sau ngày thành lập và ra mắt Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ, Tư Thuận mời nhà giáo Hồ An lên gặp, nói chuyện và giao cho nhà giáo Hồ An làm Thư ký Tòa soạn báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ, trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy 5.

Ngày 8-3-1965, quân Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng, tiến hành “chiến tranh cục bộ” - quân Mỹ trực tiếp đối đầu với quân giải phóng. Để có điều kiện tiếp xúc giáp mặt đấu tranh với lính Mỹ, đầu năm 1966, Thường vụ Khu ủy 5 chủ trương mở lớp học tiếng Anh, học viên là những người có trình độ tú tài toàn phần, đã có học tiếng Anh, phần lớn là cơ sở từ thành phố thoát ly.

Lớp học kéo dài 2 tháng, giáo viên lớp tiếng Anh là thầy giáo Hồ An - Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ. Sau khóa học giao tiếp bằng tiếng Anh, các học viên tỏa về địa phương, hầu hết tham gia công tác binh địch vận, mở các lớp học đàm thoại tiếng Anh tại chỗ cho cả các mẹ, các chị, các em thiếu niên. Các lớp học tiếng Anh đầu tiên ở Quảng Đà được mở ở Xuyên Hòa và Xuyên Khương (nay là Duy Hòa, Duy Xuyên).

Sau ngày giải phóng năm 1975, thầy được mời tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Và tiếp tục dạy tiếng Anh cho đến tuổi chín mươi.

Nhận được tin Thầy đi xa, nhà báo Đặng Minh Phương, đã ngoài tuổi 90, từ Hà Nội, nhờ tôi và anh Huỳnh Văn Chính đến chia buồn cùng gia đình và thắp cho Thầy một nén hương thơm và gửi đến gia đình Thầy mấy dòng chia buồn:

Khởi nghĩa sớm tham gia, báo chí tinh thông, chống ngoại xâm đâu kể gian nguy, nên công lao thầm lặng.

Hòa bình càng nỗ lực. Anh văn nổi tiếng truyền kiến thức. Sá chi tuổi tác, vì sự nghiệp lâu dài.

Hồ Duy Lệ

;
;
.
.
.
.
.