90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TP. ĐÀ NẴNG (28-3) 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐÀ NẴNG (29-3)

Đổi thay ở bờ đông thành phố

.

Từ sau giải phóng đến nay, song hành với sự phát triển không ngừng của thành phố, quận Sơn Trà đã và đang “thay da, đổi thịt”, trở thành đô thị hiện đại với nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ, góp phần làm bừng sáng bờ đông thành phố.

Quận Sơn Trà đang phát triển nhanh với hạ tầng du lịch đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong những năm đến.  Trong ảnh: Bãi biển du lịch của quận Sơn Trà luôn được giữ gìn sạch đẹp để thu hút du khách đến nghỉ dưỡng. Ảnh: TRỌNG HUY
Quận Sơn Trà đang phát triển nhanh với hạ tầng du lịch đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong những năm đến. Trong ảnh: Bãi biển du lịch của quận Sơn Trà luôn được giữ gìn sạch đẹp để thu hút du khách đến nghỉ dưỡng. Ảnh: TRỌNG HUY

Từ ký ức nhà chồ

Anh Nguyễn Thanh Trí (35 tuổi) sinh ra trên nhà chồ khu vực Nại Hưng 2 thuộc phường Nại Hiên Đông, nơi có khoảng gần 500 hộ dân sinh sống. Trong ký ức, tuổi thơ của anh Trí và bạn cùng trang lứa đầy ắp hình ảnh bấp bênh trên sông nước, đến tuổi 12 mà hằng ngày tắm sông không mặc áo quần. “Nhóm bạn chúng tôi có 4-6 đứa, do quá nghèo nên phải góp tiền mua 2 bộ quần áo mới.

Ai đi chơi thì mới được mặc, thay phiên nhau. Hồi đó, hải sản nhiều nhưng thiếu gạo, thiếu trái cây, rau củ. Tóc đứa trẻ nào cùng vàng cháy, xơ cứng, khô queo, ngửi mùi khét lẹt. Khi có người mất, phải kết 4 cái ghe lại, đặt quan tài lên đó, 10 thanh niên lội nước đẩy lên sát bờ, rồi khiêng lên xe tang đi chôn”, anh Trí bồi hồi nhớ.

Năm 18 tuổi, anh Trí làm dân quân thường trực của phường, rồi sắm được chiếc xe đạp. Mỗi lần đi về con đường gần nhà đều phải vác xe lên vai vì trên bờ là đường đá lổm chổm và phải qua “cầu khỉ” để vào nhà. Bây giờ anh Trí sống trong khu chung cư cán bộ, làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân của phường Nại Hiên Đông. Với anh, lên bờ sống là một cuộc cách mạng thực sự đối với người dân nhà chồ, giúp cuộc sống người dân hôm nay đủ đầy, kinh tế-xã hội phát triển nhanh chóng.

Bà Nguyễn Thị Bích Hà (70 tuổi, ở tổ 73 phường An Hải Bắc) là vợ ông Lê Quang Trạng, nguyên tổ trưởng khu vực xóm nhà chồ Nại Tú. Bà Hà kể, sau khi lập gia đình vào năm 1969, do không có đất, hai vợ chồng ra sông cắm cọc  dựng thành nhà chồ để “ra riêng”. Cứ thế, gia đình sống quăng quật trên nhà chồ ngót 30 năm thì giải tỏa.

Chị Lê Thị Bích Vân (50 tuổi), con bà Hà khi lập gia đình cũng “ra riêng” bằng việc dựng thêm cái chồ sát nhà cha mẹ để vợ chồng sinh sống, sinh con đẻ cái, cho đến khi giải tỏa. Bây giờ bà Hà ở trong ngôi nhà 2 tầng có mặt tiền khang trang tại góc đường An Hải 12. Chị Vân chuyển lên chung cư sinh sống. “Nhớ cảnh ngày trước ở xóm nhà chồ, có mưa, bão ập đến là ôm heo, ôm đồ chạy lên bờ trú tránh. Cũng chẳng nghĩ có ngày được lên bờ để đổi đời như hôm nay”, bà Hà kể.

Vận động di dời người dân ra khỏi khu vực nhà chồ là một thử thách lớn. Ông Lê Bá Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Hải Bắc, nguyên cán bộ Đoàn Thanh niên khu vực An Đồn thời kỳ di dời, giải tỏa nhà chồ cho biết, cán bộ vận động phải đi từ tối đến khuya, vì khi đó người dân mới có mặt ở nhà. Cái khó khi vận động là người dân lo lắng rằng lên bờ cuộc sống sẽ ra sao? Có tốt hơn không? Nếp sống tạm bợ, lênh đênh theo con nước dù sao đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, không dễ thay đổi ngay được.

Ông Trương Minh, nguyên cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo Đảng ủy phường Nại Hiên Đông, nguyên Bí thư chi bộ Nại Hưng 2 kể: “Để thuyết phục người dân lên bờ, phải tìm gặp các vị cao tuổi có uy tín ở nhà chồ, sau đó mới tổ chức họp dân, mượn lời các trưởng lão này để vận động người dân đồng ý chủ trương của thành phố; rồi mời các ban, ngành cấp trên về phổ biến, công bố các quy định về di dời, giải tỏa”.

Có thể thấy, nhà chồ là “biểu tượng” của sự nghèo đói, nhếch nhác, bấp bênh một thời trong trang sử của quận Sơn Trà nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Từ năm 1999 đến năm 2005, bằng chủ trương quyết liệt và đúng đắn của thành phố, người dân sống trên dãy nhà chồ ven sông Hàn được di dời, giải tỏa, lên bờ xây dựng cuộc sống mới. Cuộc lên bờ đó thay đổi số phận họ, giúp họ thoát khỏi cảnh sống lênh đênh trên sông nước, mở ra một trang đời mới đầy hứa hẹn.

Câu cửa miệng: “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất” bây giờ đã “lỗi thời”. Bà Nguyễn Thị Bích Hà cho biết, có người thân bên quận trung tâm thành phố sống trong ngõ hẻm sâu tít chỉ lọt một chiếc xe gắn máy đi khi qua nhà bà Hà chơi cứ hít hà, ao ước giá được qua quận Sơn Trà sinh sống. “Nếu ngày đó không có quyết sách di dời, đưa người dân nhà chồ lên bờ, chẳng biết bây giờ cuộc sống của tôi, nhất là con cái, cháu chắt sẽ ra sao. Cứ nghĩ lại cảnh túng đói, trẻ con rơi lọt xuống sông…, mà hãi hùng”, bà Hà nói trong xúc động.

Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, là chủ tàu ĐNa 91060 với công suất trên 400CV, nằm trong đội tàu 80 chiếc đi khơi của phường Nại Hiên Đông. Ông Minh cũng là dân nhà chồ di dời từ gần 20 năm trước. Gia đình ông có mấy đời nối nghiệp làm nghề đánh bắt cá xa bờ.

“Ngư dân Sơn Trà nói chung và Nại Hiên Đông nói riêng được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ chính quyền thành phố. Từ đó, họ có điều kiện trang bị máy móc hiện đại, đóng mới tàu lớn và một số khoản chi phí khác, giúp họ yên tâm ra khơi, bám biển, đi dò tìm nguồn cá. Việc đánh bắt cá hiệu quả, sản lượng thủy sản địa phương tăng lên, qua đó giúp kinh tế gia đình ổn định và phát triển. Mặt khác, ngư dân cũng đồng hành, chia sẻ với thành phố và quận trong quá trình phát triển, đó là nhường bến, nhường sông để hoàn chỉnh quy hoạch, chỉnh trang đô thị”, ông Minh nói.

Khác với ông Minh, ông Nguyễn Hữu Hoàng, ở khu vực Nại Hưng 2, phường Nại Hiên Đông, làm nghề kinh doanh bất động sản. Ông Hoàng cho biết cách đây gần 20 năm, khi ông cùng hàng trăm hộ di dời từ xóm nhà chồ lên, cuộc sống ngổn ngang những khó khăn. Quyết tâm thay đổi tư duy từ bao đời cha ông làm nghề biển, ông Hoàng lăn lộn vào cuộc sống mới với đủ loại công việc, nghề nghiệp khác nhau để mưu sinh.

Đến năm 2010, khi kinh tế khấm khá, ông Hoàng quay lại giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh mình trước đây. Hằng năm, ông Hoàng gây quỹ để giúp đỡ những hộ nghèo, hộ khó khăn trong khu dân cư bằng tiền mình bỏ ra và vận động từ các mạnh thường quân khác. Ông còn giúp thanh niên có việc làm, hỗ trợ học sinh nghèo có tiền đi học. “Sau giải tỏa nhà chồ, người dân cũng chủ động đổi mới tư duy nhờ vậy nhiều người giàu lên. Từ đó, có điều kiện giúp đỡ người thân vươn lên và giúp nhiều cảnh đời như mình trước đây còn khó khăn để họ có động lực và niềm tin vươn lên trong cuộc sống”, ông Hoàng chia sẻ.

Bừng sáng bờ đông

Bằng sự đồng thuận và các chủ trương phát triển đô thị mà quận Sơn Trà ngày càng trở thành đô thị không ngừng mở rộng, đời sống, thu nhập người dân tăng cao. Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm cho biết, sau khi thành lập (1997), quận Sơn Trà ngổn ngang những mối lo, từ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, lối sống người miền biển nhiều hủ tục ăn sâu dù mang tiếng đô thị. Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông của quận chậm phát triển.

Quá trình quy hoạch, giải tỏa, chỉnh trang đô thị khiến một thời gian dài toàn quận Sơn Trà như một công trường lớn. Thế nhưng, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, quận Sơn Trà đã “lột xác”, đổi thay khó ai ngờ. Ai đi xa quận Sơn Trà dù chỉ một năm thôi, khi quay lại đều không khỏi ngạc nhiên về sự phát triển vượt bậc của quận. “Nhìn bức tranh nhà chồ năm xưa so sánh với diện mạo Sơn Trà hôm nay, quả thực là một bước tiến rất dài. Thành quả đó là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu làm việc không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo quận, các địa phương và người dân qua các thời kỳ, với sự định hướng, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố”, bà Tâm nói.

Nhắc lại chặng đường phát triển vùng đất Sơn Trà 45 năm qua, nhất là sau khi thành lập quận, Bí thư Quận ủy Sơn Trà Cao Xuân Thắng làm một phép so sánh: Nếu năm 1997, Nghị quyết của quận phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 9 tỷ đồng thì sau hơn 20 năm, mức thu ngân sách thực tế đã vượt gần 100 lần, đạt 760,5 tỷ đồng trong năm 2019.

Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, quận Sơn Trà đã nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng biển, khai thác hiệu quả và tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản và phát triển thương mại, du lịch ven biển. Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 89-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 19-1-2017 về “Xây dựng, phát triển quận Sơn Trà trở thành đô thị hiện đại, là trọng điểm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển của thành phố”, đến nay cơ cấu kinh tế quận đã được điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ lực, trong đó du lịch là ngành mũi nhọn. Năm 2019, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế quận chiếm 67,63%, thu nhập bình quân/người ước đạt trên 77 triệu đồng/người/năm (năm 1997 chỉ đạt mức 5,31 triệu đồng).

Theo ông Thắng, điểm nổi bật của quận Sơn Trà là quá trình chỉnh trang đô thị đã đem lại sự đổi thay kỳ diệu và rõ nét. Toàn quận có gần 20.000 hộ dân chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa, làm cho diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, văn minh như hiện nay. Những chiếc cầu mới nối nhịp sông Hàn đã thúc đẩy quận Sơn Trà phát triển mạnh hơn. Núi Sơn Trà, các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, cầu Rồng phía Đông, chùa Linh Ứng, bãi biển tuyệt đẹp… là niềm tự hào không chỉ riêng quận Sơn Trà mà cả thành phố. “Nếp sống, suy nghĩ, tư duy người dân Sơn Trà hôm nay đã khác, bắt nhịp với thời đại. Từ những giá trị kinh tế mang lại, đời sống vật chất, tinh thần người Sơn Trà không ngừng được tăng lên”, ông Thắng nói.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, quận đạt được những thành tựu khả quan, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở. Trong định hướng phát triển, làm sao để quận Sơn Trà không chỉ trở thành đô thị hiện đại, mà tốc độ phát triển phải thực sự bền vững, giữ được bản sắc riêng có của quận trong bức tranh tổng thể xây dựng và phát triển của thành phố Đà Nẵng trong những năm đến.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Sơn Trà, nhà chồ được hình thành khoảng những năm 1960, do những người dân ở vùng đất Duy Xuyên, Hội An (tỉnh Quảng Nam) ra làm nghề đánh bắt cá, mò cua, chài rớ dựng nên. Ban đầu chỉ là dựng chồ với 4 cái cọc tre (hoặc gỗ), có phên nằm, có mái che để cất vó; sau đó, người dân gia cố cho căn chồ thêm vững chắc, nới rộng ra và đưa vợ, con từ dưới ghe thuyền lên nhà chồ sinh sống.

TRỌNG HUY   

;
;
.
.
.
.
.