Bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân

.

Trong 5 ngày qua, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng nước yếu do Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân bay sụt giảm công suất cấp nước vì nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn quá lớn. Các đơn vị chức năng của thành phố đang triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tăng cao hiện nay.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang chuẩn bị thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 trên sông Cẩm Lệ nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang chuẩn bị thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 trên sông Cẩm Lệ nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Dù thành phố đã tiến hành thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 1 trên lòng sông chính của sông Cẩm Lệ, đưa vào sử dụng từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhưng nguồn nước sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn nặng đến 40 ngày. Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến nay, có 2 ngày liên tục có độ mặn cao hơn 5.000mg/l và cao hơn cùng kỳ năm 2019.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã vận hành tối đa công suất bơm nước ngọt từ đập dâng An Trạch về và hòa trộn với nước thô lấy tại sông Cầu Đỏ để bảo đảm cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, công suất cấp nước không phục vụ đủ nhu cầu. Theo đó, người dân ở nhiều khu vực của thành phố vẫn phản ánh nước sinh hoạt yếu, nhất là vào buổi chiều và tối hằng ngày.

Tại khu vực cuối nguồn ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), tình trạng nước sinh hoạt yếu đã xảy ra hơn 5 ngày. Nhiều hộ dân chỉ có thể bơm nước sinh hoạt lên bồn chứa vào lúc đêm khuya hoặc rạng sáng vì cả ngày nước yếu, nhất là buổi chiều và tối.

Còn những hộ dân không có điều kiện xây dựng bể chứa nước ngầm hoặc máy bơm để hút nước lên bồn chứa thì tận dụng mọi xô, thau, thùng, chai, can nhựa… để hứng nước, tích trữ để sử dụng vì lo ngại xảy ra thiếu nước sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Thia (người dân ở đường Lê Cảnh Tuân, phường Nại Hiên Đông) cho hay: “Nhà tôi không có bể chứa ngầm, không có máy bơm hút nước, mà mở vòi sử dụng nước trực tiếp nên phải thường xuyên mở vòi để hứng nước cho đầy xô, thùng, thau để sử dụng. Nước yếu cả ngày, nhất là chiều và tối nên mất thời gian lâu mới trữ nước đầy để sử dụng”.

Theo phản ánh của nhiều người dân ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, người dân đã thiết kế và xây dựng nhà thường bố trí máy giặt, sân phơi, bồn chứa nước ở tầng 3, 4 hoặc tầng 2. Tuy nhiên, những ngày qua, ở nhiều nhà dân, nước không thể lên được tầng 3, nước ở tầng 2 cũng rất yếu, không thể tự chảy vào bồn chứa nước.

Do đó, nhiều người dân đã phải sử dụng máy bơm để hút nước đưa lên bồn chứa nhưng nước rất yếu vào buổi chiều và tối. Nhiều gia đình không có máy bơm, phải thức đến đêm khuya hoặc rạng sáng để chờ nước tự chảy lên đầy bồn chứa rồi khóa van.

Bà Nguyễn Thị Dung (trú thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cũng lo lắng: “Tôi có liên hệ với Xí nghiệp Cấp nước Cẩm Lệ phản ánh tình trạng nước rất yếu và đề nghị nhanh chóng cải thiện tình trạng nước sinh hoạt quá yếu; tuy nhiên, Xí nghiệp Cấp nước Cẩm Lệ kiểm tra và trả lời là áp lực nước có thể lên cao 2m so với mặt đất vào chiều tối, trong khi các khung giờ khác có thể áp lực nước sẽ lên được từ 6-8m và bảo đảm việc hứng nước của khách hàng tại tầng trệt”.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho hay, qua kiểm tra các trường hợp phản ánh nước yếu và thiếu nước, Dawaco nhận thấy tất cả tại đồng hồ nước đều có nước. Những trường hợp phản ánh nước yếu, thiếu nước sử dụng chủ yếu là các hộ dùng nước trực tiếp tại tầng 2-3.

Nhiều năm qua, khi lắp đặt đồng hồ nước mới cho các khách hàng, Dawaco đã có khuyến cáo nên xây dựng bể ngầm cho nước tự chảy vào và lắp đặt máy bơm đẩy nước lên bồn chứa để sử dụng, phòng ngừa những trường hợp do thiên tai, thiếu hụt nguồn nước…

Nhiều hộ đã thực hiện theo khuyến cáo và có nước dự trữ để dùng trong một vài ngày nhưng vẫn còn nhiều gia đình vẫn sử dụng nước trực tiếp, chưa có bể ngầm, máy bơm nước… “Hiện nay, Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay giảm bớt công suất cấp nước nên ở các khu vực cuối nguồn có giảm áp lực. Do các nhà máy nước Sơn Trà, Hải Vân đang vận hành bình thường nên cũng bảo đảm cấp nước một số khu vực.

Ngoài ra, Nhà máy nước Hòa Trung cũng đang cấp nước cho một phần ở khu vực quận Liên Chiểu. Các xí nghiệp cấp nước đã tiến hành kiểm tra, các trường hợp phản ánh nước yếu, thiếu nước chủ yếu là nước không tự chảy lên được tầng 2, 3, 4. Vì thế, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo người dân có bể ngầm trữ nước tự chảy và trang bị máy bơm đưa nước lên bồn chứa để trữ nước sử dụng; đồng thời, sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm”, ông Hồ Minh Nam nói.

Trước tình hình độ mặn tại sông Cầu Đỏ quá lớn từ cuối tháng 2-2020 đến nay, vào ngày 11-3, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có công văn cho phép Dawaco thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 nhằm tăng khả năng ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ tại hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương, sớm hơn so với dự kiến gần 2 tháng. Hiện nay, Dawaco đang chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực để thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 này, dự kiến thi công hoàn thành trong 10 ngày đến.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân sông Cầu Đỏ gia tăng độ mặn đột biến là triều cường cao, kết hợp việc đóng kín toàn bộ cửa van tại đập dâng An Trạch khi mực nước dưới 2m và hồ thủy điện Sông Bung 4 xả nước với lưu lượng trung bình ngày ít hơn so với tháng 2-2020.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương cho biết: “Trong trưa và chiều 13-3, công ty đã thực hiện các thủ tục liên quan để tiến hành xả nước về sông Vu Gia. Việc huy động hồ thủy điện xả nước kết hợp với việc Đà Nẵng xây dựng tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 sẽ nhanh chóng làm giảm độ mặn nguồn nước thô ở Nhà máy nước Cầu Đỏ, bảo đảm cấp nước sinh hoạt bây giờ và cả mùa khô sắp đến”.

“Trong những ngày qua, dù độ mặn nguồn nước thô tăng cao nhưng Dawaco vẫn cấp nước sinh hoạt cho thành phố với công suất 270.000m3/ngày. Từ nay cho đến khi hoàn thành tuyến đập tạm ngăn mặn số 2, triều cường sẽ giảm nên độ mặn nguồn nước thô cũng sẽ giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

Hy vọng đến thời điểm hoàn thành đập tạm thì độ mặn nguồn nước thô sẽ giảm nhiều và việc cấp nước sinh hoạt sẽ sớm bình thường trở lại. Trước mắt, Dawaco tranh thủ những lúc thủy triều ròng, độ mặn giảm để tăng công suất cấp nước, bù đắp trữ lượng nước sụt giảm khi triều cường và độ mặn quá lớn”.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco.

Yêu cầu Thủy điện A Vương và Sông Bung 4 xả nước đẩy mặn

Chiều 13-3, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 1528/UBND-STNMT yêu cầu chủ các hồ A Vương, Sông Bung 4 vận hành xả nước về hạ du bảo đảm tổng lưu lượng xả xuống hạ du trung bình ngày đối với hồ A Vương là từ 18 - 22m3/s, Sông Bung 4 là từ 25-30m3/s.

Thời gian yêu cầu vận hành xả nước liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày, bắt đầu không muộn hơn 9 giờ sáng và kết thúc không sớm hơn 21 giờ cho đến khi Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng thi công xong tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 trên sông Cẩm Lệ. Sau khi đập tạm số 2 hoàn thành, tiếp tục tích nước hồ A Vương đến hết ngày 1-4-2020.

UBND thành phố yêu cầu Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng có trách nhiệm cung cấp số liệu độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định để phối hợp khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn. Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tích cực hỗ trợ Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng hoàn thành các thủ tục để nhanh chóng triển khai thi công xong tuyến đập tạm ngăn mặn số 2.

HOÀNG HIỆP

  HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.